Dân Việt

Cảnh sắc Tây Hồ xưa và nay

Xuân Thắng 15/02/2013 14:48 GMT+7
Hồ Tây xưa có nhiều tên gọi như Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoái Hồ, Xác cáo, Trâu Vàng... Mỗi tên gọi đều ghi dấu một thời trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội nhưng vẻ đẹp Hồ Tây vẫn luôn là đề tài được sùng ái của thơ ca.

Trong cuốn “Dấu tích Kinh thành” kể rằng, một thi sĩ đời Vĩnh Hựu (1735-1739) nhà Lê đã có cả một tập thơ “Tây Hồ bát cảnh” ca ngợi 8 danh thắng nổi tiếng của hồ Tây như Bến Trúc Nghi Tàm, Rừng bàng Yên Thái, Đàn thề đồng cổ, Phật say làng Thụy, Sâm Cầm rợp bóng, Đồng Bông Nghi Tàm, chợ đêm Khán xuân và tiếng đàn hành cung.

img
Be thả cá trong sương sớm Hồ Tây - Ảnh Huyền Phương.

Hồ Tây xưa rộng mênh mông, nằm ở hướng Tây Bắc của Kinh thành Thăng Long. Trải qua bao biến cố lịch sử và đời sống dân sinh, Hồ Tây nay chỉ còn khoảng hơn 500 hec-ta mặt nước, nhưng xung quanh hồ đã được chỉnh trang, phù hợp cảnh quan đô thị thời nay.

Vòng theo con đường mới mở quanh hồ Tây là quần thể nhiều chùa và đền, đình, trong đó có những ngôi chùa cổ nổi tiếng như Chùa Kim Liên, Chùa Trấn Quốc, Chùa Võng Thị và Đền Quan Thánh.

Đền Quan Thánh được Vua Lý Thái Tổ cho xây dựng ngay từ khi ông rời đô ra Thăng Long (1010). Tương truyền Quan Thánh (còn gọi là Quán Trấn Vũ) thờ vị thần Huyền Thiên Trấn Vũ, để trấn giữ yêu quái ở phía Bắc và là một trong tứ trấn của Thăng Long xưa. Bức tượng vị thần Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc bằng đồng đen, cao 3,96m, mặc áo đạo sĩ ở thế đang ngồi, đầu xõa tóc, chân để trần, tay trái đưa lên trước ngực bắt quyết, tay phải chống kiếm xuống mai rùa, trên kiếm có con rắn leo quanh.

Theo thuyết ngũ hành, phương Bắc mang hành thủy, màu đen, nên gọi là “Huyền” và Tượng Trấn Vũ được đúc bằng đồng đen. Rắn và Rùa trong dân gian cũng được coi là hai con vật tượng trưng của Thần trấn phương Bắc. Đây là một công trình quý từ thế kỷ XVII.

img
Những ngày đầu xuân Quý Tỵ, rất đông khách thập phương đã đến Đền Quan Thánh lễ cầu may - Ảnh Huyền Phương.

Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch xưa là một hồ, lại nối với Hồ Cổ Ngựa kéo dài đến tận phố Hàng Than ngày nay và thông với sông Hồng. Theo sử sách và trong “Tây Hồ chí” ghi lại, bến sông ngày ấy gọi là bến Lâm Áp. Quanh bến là những cánh rừng lim và nhiều hang động như Già La, Nha Lậm, Bình Sa. Để giữ cho khỏi mất cá, năm 1620 nông dân ở các thôn, xóm như Trúc Yên, Yên Hoa, Yên Quang đã đắp một con đập để ngăn một phần hồ, gọi là “Cố ngự yển” (giữ cho vững), sau thành lối đi.

Đời chúa Trịnh Giang (1729 – 1740) đã cho xây ở làng Trúc Yên một cung điện có tên là “Trúc Lâm Viện” làm nơi tĩnh tâm, tĩnh dưỡng. Nhưng sau không sử dụng, nhà Trịnh dùng “Trúc Lâm Viện” trở thành nơi an trí các cung nữ phạm tội, ra đây trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa sinh sống. Lụa do các cung nữ ở đây dệt được dân chúng kinh thành rất ưa chuộng, nên gọi quen là lụa làng Trúc.

Phần hồ thuộc làng Trúc cũng mang tên Trúc Bạch. Đến thời Lê Chiêu Thống, vào năm 1788, Trúc Lâm Viện đã bị phá sạch, không để lại dấu vết, chỉ còn lại cái tên hồ Trúc Bạch cho đến ngày nay. Thời kỳ đế quốc Pháp xâm lược cai trị nước ta, con đập “Cố ngự yển” đọc chệch âm tiếng Việt thành Cổ Ngư.

img
Từ trên cao nhìn xuống, Đường Thanh niên hơi lượn, dáng theo hình chữ S nổi lên như rồng cuộn giữa cảnh trời nước trong xanh của Hồ Tây đã tạo nên vẻ đẹp mê hồn ở nơi đây - Nguồn ảnh: Internet.

Đến đầu những năm 1960, đường Cổ Ngư được thế hệ đoàn viên thanh niên tình nguyện ngày đó mở rộng và Bác Hồ đã trực tiếp đặt tên cho con đường này là Đường Thanh Niên, hai bên đường là hồ Trúc Bạch và hồ Tây thơ mộng ngày nay.

Đường Thanh Niên dài chừng hơn 1km, bắt đầu từ vườn hoa, nơi có cây đa Bác Hồ trồng ngày 5.2.1961 cho muôn đời sau và có tượng đài người chiến sĩ trẻ tuổi Lý Tự Trọng, bên kia là cổng Đền Trấn Vũ, đến cuối đường là dốc Yên Phụ.

img
Đường Thanh Niên nhìn từ phía hồ Trúc Bạch - Ảnh Huyền Phương.

“Đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm bước ta về...”. Câu ca, lời thơ ấy trong một bài hát viết về Hà Nội của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã đi vào trái tim của biết bao thế hệ người Hà Nội, yêu Hà Nội và đều thấy nhớ da diết khi xa Hà Nội, xa hồ Tây thơ mộng, phóng khoáng, dịu êm, đầy ắp kỷ niệm của một thời thơ ấu, thời chiến tranh, thời bình yên.

Đi theo đường Thanh Niên, đến khoảng giữa, chỗ đoạn phình rộng ra là quán “Bánh tôm” một đặc sản của vùng hồ có một con đường nhỏ nối ra đảo, xưa gọi là đảo “Cá vàng” (Kim ngư). Con đường này được đắp từ đời nhà Lê, vào năm 1620, cùng một đợt với đắp đập “Cố Ngự Yển”. Trên đảo nhỏ này ngày nay vẫn bảo tồn được một ngôi chùa rất cổ của Hà Nội.

img
img
Chùa Trấn Quốc trên hồ Tây - Ảnh Huyền Phương.

Thời Lý Nam Đế (544-548) đã cho xây Chùa ở bờ bãi sông Hồng thuộc đất Yên Hoa (nay là Yên Phụ) với tên gọi đầu tiên là chùa “Khai Quốc”. Đến triều vua Lê Thái Tông (1440-1442) chùa đổi tên là “An Quốc”. Năm 1615, bãi sông bị lở, nhân dân trong vùng dời chùa về đảo, dựng trên nền cũ của cung Thúy Hoa nhà Lý và điện Hàm Nguyên nhà Trần.

Cuối thế kỷ 17, đời Lê Hy Tông, chùa mới có tên là “Trấn Quốc”. Chùa còn có tấm bia đá khắc năm Dương Hòa thứ năm (1639) do trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn ghi lại sự tích này. Cuối thế kỷ 18, Chùa được dân làng tu tạo, đắp tượng, đúc chuông, làm trong hai năm từ 1813 đến 1815 mới xong. Tới năm 1934 lại có một lần trùng tu nữa.

Chùa Trấn Quốc có kiến trúc khác với phong cách quen thuộc của các chùa khác ở Việt Nam. Nhà bái đường phía trước, sau đến Tam bảo, còn hành cung thập điện và gác chuông lại ở phía sau. Sau chùa còn có nhiều mộ tháp cổ từ đời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng (thế kỷ 18). Cổng chùa có 3 chữ “Phương, Tiện, Môn” và đôi câu đối chữ nôm: “Vang tai xe ngựa qua đường thục; Mở mặt non sông đứng cửa thiền”.

Từ chùa Trấn Quốc nhìn chếch sang bên kia phía đường Thanh niên, ở trên hồ Trúc bạch có một gò nổi. Trên gò xưa kia còn có ngôi đền nhỏ thờ “bà Tiên trong nước”, thực ra đó là đền “Cẩu Nhi” thờ chó con, có từ thời vua Lý Công Uẩn. Sau do nhu cầu cần thiết khác, ngôi đền này đã bị dỡ bỏ.

img
Vùng đất cổ thuộc làng Yên Hoa xưa và phố Yên Hoa ngày nay - Ảnh Huyền Phương.

Cũng ở ngay trên đoạn đường Thanh niên này, có một tấm bia ghi dấu chiến tích của quân và dân Thủ đô đánh trả máy bay của giặc Mỹ xâm lược, ngày 26.10.1967. Hà Nội đã bắn tan xác 12 máy bay địch đến xâm lược gây tội ác phải đền tội, trong đó có 01 chiếc A4 rơi cắm đầu xuống mặt hồ khiến cho thiếu tá phi công Mỹ là Mắc-kên đã uống no nước tại hồ trúc bạch trước khi bị dân quân áp giải.

Lên khỏi dốc đường Thanh niên là đến làng Yên Phụ. Xưa kia, nơi đây cũng là một dãy hồ nước trong xanh thông với hồ Tây. Ở vị trí giữa đê với hồ, con phố Yên Phụ ngày nay thuộc vùng đất cổ của làng Yên Hoa có nghề trồng hoa. Trong làng thời đó còn có một số gia đình người từ làng Đông Hồ di cư lên Thăng Long, mở nghề vẽ tranh dân gian bán ở chợ Kinh thành vào các dịp tết. Làng thờ Uy Linh Lang, một hoàng tử đời trần, có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, được phong làm Dâm Đàm Vương.

Cảnh sắc Tây Hồ, người và hoa luôn ở bên nhau, xen lẫn nước trời mênh mang đã tạo nên cảnh sắc hữu tình, đẹp và thơ mộng.

Kỳ sau: Đất “Tằm tang” và làng hoa Nghi Tàm xưa