Dân Việt

Khánh Hòa: Ngân hàng khởi kiện các chủ tàu cá 67 chây ì trả nợ

Công Tâm 27/03/2019 12:32 GMT+7
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Khánh Hòa (Agribank Khánh Hòa) cho biết, đã gởi 3 hồ sơ sang tòa án khởi kiện các chủ tàu cá chây ì trả nợ và đồng thời sẽ tiếp tục gởi những hồ sơ còn lại.

Ba chủ tàu cá bị khởi kiện gồm: Trần Ngọc Đông, Võ Ngọc Trang và Dương Cao Hoan, đều trú tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), với tổng số nợ trên 30,9 tỷ đồng. Đây là 3 tàu cá được đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Nguyễn Đình Cường, Phó Giám đốc Agribank Khánh Hòa cho biết, Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, do vậy ngay từ khi được ban hành, Agribank Khánh Hòa đã nghiêm túc triển khai thực hiện cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá đối với ngư dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nguồn vốn để cho ngư dân vay theo chính sách này Ngân hàng phải lấy từ nguồn vốn huy động tiền gửi, nên khi ngư dân vi phạm hợp đồng không chịu trả nợ cho ngân hàng thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.

img

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Khánh Hòa cho biết, đã gởi hồ sơ khởi kiện sang tòa án

Theo ông Cường, Nghị định 67 của Chính phủ đã tạo điều kiện cho các ngư dân phát triển từ tàu công suất nhỏ sang các tàu có công suất lớn để vươn khơi đánh bắt, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thời kỳ đầu các chủ tàu hoạt động có hiệu quả, trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn. Nhưng đến các kỳ sau, các hộ này đi so sánh với những tàu khai thác không hiệu quả, không trả được nợ và cho rằng đây là chính sách hỗ trợ của nhà nước (gần như là cho không) nên cố tình không trả nợ mặc dù có nguồn thu từ hoạt động khai thác đánh bắt. Việc để nợ xấu phát sinh làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của Agribank nói chung và Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa nói riêng.

Khó khăn hiện nay chính là không quản lý được dòng tiền, bởi sản phẩm các chủ tàu đánh bắt hải sản xuất bán ngay trên biển cho các tàu dịch vụ hậu cần, bên cạnh đó các chủ tàu này báo cáo chưa trung thực, hầu hết đều báo cáo doanh thu từ khai thác cá suy giảm, thu không đủ bù phí tổn.

Ông Cường cho biết thêm, 3 chủ tàu trên ngân hàng đã nhiều lần mời làm việc trực tiếp để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nhưng các chủ tàu này cố tình chây ì không trả nợ vay theo hợp đồng tín dụng đã ký, không ký biên bản làm việc, để nợ quá hạn kéo dài. Hậu quả của nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 đã làm thiệt hại đến tài chính cũng như hoạt động kinh doanh của Agribank Khánh Hòa.

Trước mắt, Agribank Khánh Hòa đã gởi 3 hồ sơ khởi kiện thí điểm lên tòa án và đồng thời tiếp tục gửi hồ sơ khởi 3 khách hàng còn lại là các ông: Trương Gia Tân, Trần Văn Đạt và Nguyễn Văn Phi.

Qua thống kê, thực hiện chính sách của Chính phủ, ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đầu tư 20 tàu. Trong đó, 1 tàu vỏ thép, 3 tàu vỏ gỗ và 16 tàu vỏ composite, tổng số tiền cam kết tài trợ 209,6 tỷ đồng và đã giải ngân 207,6 tỷ đồng.

img

Hiện nay, một số chủ tàu chây ì không trả nợ cho ngân hàng

Tính đến 28.2, với 18 khách hàng/19 tàu còn dư nợ 194,1 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu 57,8 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu  chiếm gần 30%, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ, gồm 6 khách hàng có nợ xấu.

Lãnh đạo Agribank chia sẻ, đến nay các thủ tục giải ngân đã hoàn tất, các tàu cá hầu hết đều đi vào hoạt động và có nguồn thu. Một số tàu đang hoạt động có hiệu quả, chủ tàu có ý thức trả nợ. Bên cạnh đó, một số chủ tàu nhận thức không đầy đủ cho rằng đây là chính sách "cho không" của nhà nước nên cố tình không trả nợ, mặc dù có nguồn thu từ hoạt động khai thác đánh bắt.