Sáng nay 27/3, Trưởng Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém ngành Công thương đã chủ trì cuộc họp nhằm đánh giá các công việc, nhiệm vụ đặt ra từ phiên họp tháng 9/2018, thúc đẩy việc xử lý các nhà máy, dự án thua lỗ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp sáng 27/3 (Ảnh: VPCP)
Tại cuộc họp, lãnh đạo một số tập đoàn như: Tập đoàn Hóa chất Vinachem, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN)… đã báo cáo cụ thể tiến độ xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém.
Bên cạnh một số dự án bước đầu cơ bản có lãi, được đề nghị đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ yếu kém, thì việc xử lý các các dự án như: Nhà máy đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên… vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc.
Đáng chú ý, một trong những khó khăn vướng mắc được đề cập nhiều nhất là việc xử lý vướng mắc pháp lý với các nhà thầu EPC.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép cho biết không đàm phán được với nhà thầu MCC vì điều kiện tiên quyết của nhà thầu là phải tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD để hoàn thành dứt điểm dự án. Hiện nay, Tổng công ty Thép đang chờ ý kiến của Bộ Tư pháp về xử lý pháp lý.
Ảnh minh họa
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng phía Tổng công ty Thép phải tiếp tục làm rõ các vướng mắc với nhà thầu, cáo bạch rõ thực trạng của dự án để xử lý theo hướng có lợi hơn cho Tổng công ty.
Với nhà máy đạm Ninh Bình, ông Phan Chí Hiếu cho biết Công ty luật đề xuất chưa khởi kiện nhà thầu mà tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhận thấy nhà thầu EPC có nhiều vi phạm và Vinachem cũng gặp hạn chế về nghĩa vụ tài chính nhưng không nhiều.
“Nhưng dù sao thì cũng phải khởi kiện thôi vì đây là phương án có nhiều khả năng hơn trên cơ sở bàn rõ hơn với Tập đoàn”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nói về trường hợp đạm Ninh Bình.
Ví các vướng mắc pháp lý như vấn đề “hóc xương”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng phải xử lý được thì mới thực hiện được tiếp các thủ tục bán, thoái vốn khỏi các nhà máy, dự án. Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các bộ và doanh nghiệp tập trung xử lý vấn đề này cũng như việc quyết toán các dự án trên tinh thần kiên nhẫn để đạt được thoả thuận với các bên liên quan, theo hướng có lợi nhất.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ đồng tình với Bộ Tư pháp “đưa ra toà xử lý”, đồng thời giao Bộ Tư pháp nghiên cứu phương án chưa giải quyết được pháp lý thì liệu Tập đoàn, Tổng công ty có thể thoái vốn khỏi các nhà máy?
Đi vào các dự án cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Tập đoàn, Tổng công ty nhanh chóng báo cáo việc nhà máy Ethanol Quảng Ngãi sẽ thoái vốn hay sáp nhập với Công ty lọc hoá dầu Bình Sơn. Nhà máy Ethanol Phú Thọ lựa chọn phương án phá sản hoặc sớm thoái vốn; xử lý Nhà máy bột giấy Phương Nam thận trọng, bảo đảm nguyên tắc tách ra khỏi Tổng công ty Giấy để áp dụng đấu giá tài sản thanh lý và tồn kho.
Với nhà máy Ethanol Bình Phước, Phó Thủ tướng đề nghị PVN phối hợp với doanh nghiệp nắm cổ phần chi phối khởi động nhà máy để thoái vốn nhà nước.
Bộ Công thương chuyển giao Tổng công ty Thép về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước quản lý, xử lý dứt điểm hợp đồng EPC và giải chấp bảo lãnh của Tổng công ty thép trước khi cổ phần hoá.
“Các bộ, cơ quan liên quan chủ động triển khai nhiệm vụ được giao, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo kịp thời tới Ban chỉ đạo các vướng mắc”, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu và đề nghị Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiếp quản công việc Thường trực Ban chỉ đạo từ Bộ Công thương, bổ sung Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh làm Phó Trưởng Ban Thường trực, cùng với Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh để đốc thúc công việc.