Dân Việt

Bỏ phố lên rừng trồng na Thái, na Đài Loan thu tiền tỷ

Trần Thi 28/03/2019 10:00 GMT+7
Là dân thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) “chính gốc”chưa biết làm nông là gì, nhưng với ý chí lập nghiệp làm giàu, gia đình anh đã về vùng núi Tánh Linh tìm cơ hội, trồng mãng cầu (na) Thái Lan, mãng cầu Đài Loan. Trải qua bao thăng trầm cuộc sống, có khi tưởng chừng buông bỏ vì quá khó khăn, nhưng “trái ngọt” đã đến với anh khi hiện tại anh đã tạo được cơ ngơi gần chục tỷ đồng…

Hồi đầu năm 2018, nghe tin ở Tánh Linh có người làm mô hình trồng mãng cầu Thái Lan cho thu nhập cao, tôi đã xin số điện thoại của anh để tìm hiểu, viết báo giới thiệu.

Nhưng nhiều tháng, nhiều cuộc điện thoại gọi đi, anh vẫn nhả nhặn từ chối, bởi mô hình mới chưa có gì và không muốn lên báo chí. Đến cuối năm 2018, tôi lại nghe tiếp anh trúng đậm vụ mùa mãng cầu Thái Lan lần 2, lại điện thoại cho anh. Lúc này anh cười bảo nhà báo “máu lửa” với cây mãng cầu vậy thì lên đây...

img

Anh Trần Thanh Long (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu mô hình trồng mãng cầu Đài Loan và Thái Lan cho kinh tế cao.

Năm 1999, gia đình anh bắt đầu “đóng đô” ở thôn Bàu Chim, xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh làm vườn trồng thanh long. Anh kể câu chuyện đượm buồn, lúc đầu tôi vay trung hạn của ngân hàng mấy trăm triệu đồng xuống giống, cứ nghĩ khoảng 3 năm sau cây cho quả sẽ trả dần nợ, nhưng tính toán bị sai khi một năm sau ngân hàng đòi nợ 1/3 vốn vay.

Mới đầu tư cây trồng tiền đâu ra để trả, vậy là phải vay lãi nóng bên ngoài. Cầm cự như thế nhưng vẫn chưa yên, năm sau lại phải trả thêm 100 triệu đồng tiền gốc cho ngân hàng. Vậy là phải vay tiền nóng, mấy năm sau 3 ha thanh long của anh mới cho thu hoạch. Có thời điểm trúng đậm vì giá thanh long cao ngất ngưỡng.

Tuy nhiên chưa kịp mừng phải lo khoản nợ tiền nóng dồn dập, bởi lãi mẹ đẻ lãi con đến chóng mặt. Mất 5 năm để giải quyết món nợ “vì dám làm liều”, đến lúc nhìn lại thì… cũng ổn.

img

Vườn mãng cầu của anh Trần Thanh Long đang cho trái

Sau câu chuyện buồn là niềm vui ánh lên từ đôi mắt của người trung niên Trần Thanh Long (SN 1970) gầy dựng cơ ngơi của mình cho đến nay được 3 ha thanh long, 1 ha mãng cầu Thái Lan. Mãng cầu Thái Lan thu hoạch vụ đầu trái bói bán giá khá cao, bình quân 1 kg giá 80.000 - 100.000 đồng, 1 tấn anh thu được 80 - 100 triệu đồng.

Hiện vườn mãng cầu Thái Lan của anh đang phát triển tốt, tháng 12/2018 anh hái được 2 tấn, thu gần 200 triệu đồng. Dự kiến 1 ha mãng cầu một năm thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Nhà cửa ổn định, con cái học hành đến nơi đến chốn, là niềm tự hào của anh khi tôi hỏi về nguồn lợi nhuận mỗi năm.

“Mình vẫn chưa bằng ai nhưng có thể khẳng định kinh tế của tôi khá ổn, con được cho đi học lên cao là… thu nhập lớn nhất của tôi”...

Anh Long chia sẻ. Thắng lớn với 1.000 gốc mãng cầu Thái Lan đang cho thu hoạch, anh dự định mở rộng trồng thêm 1.000 cây mãng cầu. Chưa dừng lại ở mãng cầu Thái Lan, anh đã nhập 1.000 cây mãng cầu Đài Loan trồng xen trong vườn thanh long 3 ha.

Với mãng cầu Đài Loan hiện nay, thị trường đang có giá từ 350.000 – 500.000 đồng/kg. Theo lời anh Long, giống mãng cầu Đài Loan anh nhập có chứng nhận nguồn gốc và bảo hành của đơn vị liên quan. Và anh là người đầu tiên ở miền Nam nhập giống với số lượng lớn để trồng thương mại.

Hiện anh Long đang tiến hành ghép giống mãng cầu Đài Loan để cung ứng ra thị trường. Riêng nguồn thu trái mãng cầu Đài Loan dự kiến vào năm tới.

Từ tay trắng ở phố thị lên miền núi lập nghiệp, ý chí đã giúp anh Long có được 4 ha cây ăn trái mà theo ước đoán của người dân địa phương, vườn cây của anh hiện không dưới 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sự nhạy bén, sáng tạo trong cách làm của anh Trần Thanh Long chưa dừng lại chục tỷ đồng mà còn sinh lãi khi anh nhân giống F1 phát triển mãng cầu Thái Lan và Đài Loan ra thị trường. Đặc biệt với cách làm vườn cây ăn trái siêu sạch, anh Long đang tính tới mặt hàng của mình sẽ được xuất khẩu sang các nước để tạo thương hiệu cây trái Bình Thuận đa màu, đa sắc...