Sáng 28.3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã chủ trì phiên họp đánh giá kết quả điều hành giá quý I.2019 và cập nhật tình hình, đề xuất các giải pháp điều hành trong những tháng còn lại của năm 2019.
Xăng A95 và A92 bắt đầu được sản xuất bình thường
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã cung cấp thông tin quan trọng về việc sản xuất và cung ứng xăng dầu trong thời gian qua.
Theo đó, vào ngày 24.2, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn mới bắt đầu hoạt động thương mại từ 9.2018, đang chiếm 70 - 75% nguồn cung xăng dầu và 39% thị phần xăng dầu trong nước đã gặp sự cố về phát điện nên không thể sản xuất nhiên liệu.
Toàn cảnh phiên họp đánh giá kết quả điều hành giá quý I.2019 và cập nhật tình hình, đề xuất các giải pháp điều hành trong những tháng còn lại của năm 2019.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã tập hợp các cuộc họp với các đầu mối kinh doanh xăng dầu, yêu cầu nhà máy lọc dầu Bình Sơn tăng tối đa công suất sản xuất và sớm đưa nhà máy Nghi Sơn trở lại hoạt động.
Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra từng cây xăng, yêu cầu các đầu mối cung cấp đủ xăng dầu cho các địa bàn trên toàn quốc.
Tới ngày 3.3, nhà máy Nghi Sơn đã bắt đầu khởi động lại và tới ngày 22.3 toàn bộ các phân xưởng đã hoạt động trở lại nhưng mới chỉ sản xuất được dầu diesel. Tới ngày 26.3, nhà máy Nghi Sơn đã sản xuất được xăng đạt chất lượng.
“Hôm nay (28.3) và ngày mai (29.3), xăng A95 và A92 sẽ được sản xuất bình thường”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng đề nghị Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex nhập khẩu thêm xăng dầu với mức thuế cao hơn bình thường 10% để bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường.
Trước đó, theo ghi nhận của PV Dân Việt, một số cây xăng trên địa bàn thành phố Hà Nội như cây xăng của Tổng công ty xăng dầu Quân đội tại đường Giải Phóng, đường Nguyễn Phong Sắc và Nguyễn Văn Trường thông báo "Cửa hàng chưa có xăng RON 95". Theo nhân viên ở đây cho biết: “Việc thiếu xăng diễn ra đã mấy hôm nay, chúng tôi đang bán E5 Ron 92 và E5”.
Nhiều tài xế xe máy và ô tô phải rất vất vả mới đổ được xăng Ron 95.
Việc các trạm thông báo ngừng bán xăng RON 95 diễn ra sau khi nhiều doanh nghiệp xăng dầu phản ánh việc "thiếu xăng để bán" do nguồn cung nhỏ giọt. Tuy nhiên thông báo trước đó của Bộ Công Thương, Bộ này khẳng định: Nguồn cung xăng dầu trong nước hiện vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và đời sống của người dân”.
Không chỉ vì lợi ích doanh nghiệp
Trao đổi với báo chí chiều 27.3, xung quanh vấn đề cung ứng và điều hành giá xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thừa nhận sau khi nguồn cung từ Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn gặp trục trặc, Bộ Công Thương đã họp với các doanh nghiệp (DN) đầu mối tìm cách nhập khẩu để bù đắp.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thông thường DN phải ký hợp đồng trước 45 ngày nhưng xảy ra đột xuất nên nhiều lô hàng phải nhập từ Hàn Quốc với giá cao hơn, thậm chí là nhập từ thị trường khác với thuế suất cao hơn, để đảm bảo lượng hàng cung ứng cho thị trường trong nước, đồng thời đảm bảo nguồn xăng dầu dự trữ trong vòng 30 ngày theo Nghị định 83.
Sau khi nguồn cung từ Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn gặp trục trặc, Bộ Công Thương đã họp với các DN đầu mối tìm cách nhập khẩu để bù đắp
“Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) giai đoạn này lỗ nhưng thực hiện nhiệm vụ chính trị nên họ vẫn phải nhập để bán hàng ra”, ông Trần Duy Đông khẳng định.
Bên cạnh nguyên nhân nguồn cung khan hiếm, một doanh nghiệp đầu mối chia sẻ mức chiết khấu thấp cũng khiến các đại lý, cửa hàng không muốn bán xăng RON95. Hiện nay mỗi lít xăng RON95, các cửa hàng chỉ nhận được khoảng 300 - 400 đồng từ các thương nhân phân phối. Mức chiết khấu này đã giảm mạnh so với trước đây, khiến các cửa hàng không mặn mà do bán không đủ bù chi phí.
“Quan điểm của chúng tôi là làm gì cũng đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, đặt lợi ích cuả người dân, người tiêu dùng lên trên hết chứ không phải chỉ vì lợi ích DN”, ông Trần Duy Đông giải thích và nói thêm “tất nhiên, lợi ích của DN chúng ta cũng phải cân đối, đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, DN và Nhà nước.
Có thời điểm ưu tiên lợi ích của đất nước, của người tiêu dùng hơn lợi ích DN; có thời điểm lợi ích DN dc ưu ái hơn nhưng về tổng thể bao giờ cũng phải điều hành. Làm chính sách bao giờ cũng ưu tiên số đông và đảm bảo các mục tiêu vĩ mô của Chính phủ”, vị lãnh đạo Bộ Công Thương thừa nhận.
Cũng phải nói thêm rằng, nhờ lợi thế về quỹ bình ổn xăng dầu, liên Bộ Tài chính và Công Thương đã thực hiện “xả” quỹ đề bù vào đà tăng của giá xăng dầu theo tín hiệu tăng của thế giới.
Trong kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 18.3), quỹ đã xả 2.801 đồng/lít với xăng E5RON92, 2.061 đồng/lít với xăng RON95 và 1.343 đồng/lít với dầu DO nhằm giữ nguyên giá xăng dầu, tạo dư địa cho tăng giá điện sau đó 2 ngày để giảm tác động của việc tăng giá điện lên CPI.