Tục ăn cỗ lấy phần có ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Nam Định
Liên quan đến vụ việc bắt chủ nhà làm cỗ phải đặt cọc 3 triệu đồng, bị xử phạt nếu để người dân ăn cỗ lấy phần xảy ra trên địa bàn xã Giao Long (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), ông Nguyễn Thành Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho hay, việc này đã có chỉ thị của Huyện ủy về thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa.
“Tùy từng điều kiện cụ thể mà người ta thực hiện nếp sống văn hóa. Người ta bắt đặt cọc, nếu các ông thực hiện đúng thì người ta trả lại chứ có gì đâu. Cái này không gọi là xử phạt vì dân người ta đồng tình. Trước khi làm, dân đã bàn và dân quyết định cơ mà”, ông Mạnh chia sẻ.
Ngày 29/3, trao đổi thêm với PV, ông Nguyễn Tiến Tùng – Chánh Văn phòng UBND huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) cho biết, ông hoàn toàn không biết được sự việc xã Giao Long bắt người dân đặt cọc 3 triệu trước khi làm cỗ để người dân không ăn cỗ lấy phần.
“Một số địa phương có quy ước, hương ước riêng theo phong tục của địa phương, nhưng quy định đặt cọc 3 triệu thì tôi chưa nhận được phản ánh. Nếu bắt đặt cọc nó lại không giống cuộc vận động nữa, nó giống như anh ép người ta. Tôi sẽ cho kiểm tra lại thông tin”, ông Tùng cho hay.
Theo ông Tùng, huyện Giao Thủy có Chỉ thị số 10 của Huyện ủy về phát động phong trào người dân thực hiện nếp sống văn minh. Trong Chỉ thị có phần tuyên truyền, vận động người dân khi tổ chức đám cưới, đám tang làm cỗ vừa đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần để tránh gây lãng phí.
Trước đó, theo phản ánh của người dân xã Giao Long (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), chủ nhà làm cỗ phải đặt cọc 3 triệu đồng với chính quyền xã trước khi làm cỗ và cam kết không để xảy ra tình trạng ăn cỗ lấy phần.
Ông Trần Hoài Nam – Chủ tịch UBND xã Giao Long xác nhận có vụ việc như vậy.
Theo ông Nam, việc này thực hiện theo Chỉ thị của Huyện ủy về thực hiện nếp sống văn minh văn hóa. Tuy nhiên, việc bắt người dân đặt cọc 3 triệu đồng là do phía xã tự đề ra nhằm mục đích để đe người dân.
Nếu để xảy ra tình trạng ăn cỗ lấy phần, chủ nhà sẽ bị xử phạt. Ông Nam lấy ví dụ, 1 người lấy phần có thể phạt 500.000 đồng, 2 người có thể lên đến 1.000.000 đồng… Tuy nhiên, trong cam kết không có con số xử phạt cụ thể mà chỉ ghi là “tùy vào mức độ vi phạm mà xử lý”.
Chủ tịch UBND xã Giao Long cũng cho hay, trước khi làm việc này, xã đã bàn bạc với người dân và được người dân đồng tình nên mới triển khai. Từ ngày thực hiện, xã chưa xử phạt một trường hợp nào. Đặc biệt, vào mùa cưới, xã sẽ phát thanh liên tục trên loa 1 tuần 1 lần để người dân nắm rõ quy định.
Chủ nhà làm cỗ phải đặt cọc 3 triệu đồng với chính quyền xã và không được để người dân ăn cỗ lấy phần, nếu...