Dân Việt

Nhà sáng chế học sinh và cỗ máy trợ lực cho người nuôi tôm thần thánh

Bùi My 05/04/2019 06:30 GMT+7
Với sáng chế “Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm”, hai em Ngô Anh Tài và Nguyễn Đức Hoàn – học sinh THCS Tân An (TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), đã giành giải nhất Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc năm học 2018-2019. Để sáng chế chiếc máy, hai “nhà khoa học nhí” đã kiên trì suốt 8 tháng, trải qua 5 nguyên mẫu.

Clip: Hai "nhà khoa học nhí" giới thiệu về sáng chế “Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm"

Hơn 1 tiếng đi bằng xe máy từ trung tâm TP.Hạ Long (Quảng Ninh), PV Dân Việt đã có mặt tại xã Tân An, TX.Quảng Yên. Theo hướng chỉ của những người dọc đường, PV tìm thấy trường THCS Tân An (TX.Quảng Yên) – nơi hai “nhà khoa học nhí” Ngô Anh Tài và Nguyễn Đức Hoàn giành giải nhất Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc năm học 2018-2019 đang theo học.  

Từ thấu hiểu nỗi vất vả của người nuôi tôm

Trước đây, việc nuôi tôm ở Quảng Yên chủ yếu theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến, năng suất sản lượng đạt thấp. Từ năm 2003, Quảng Yên chuyển sang hình thức nuôi tôm công nghiệp, áp dụng những tiến bộ KHKT như nuôi khép kín, lót bạt nền đáy ao…

Việc lót bạt nền đáy ao nuôi tôm là phương pháp giúp người nuôi tôm kiểm soát tốt hơn chất lượng nước, chất thải, đồng thời ngăn ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, sau mỗi vụ thu thoạch tôm, việc làm sạch bạt nền đáy ao lại tốn nhiều công sức, nhân công, thời gian…

img

Hiện nay, đa số các ao nuôi tôm đều áp dụng lót bạt nền đáy ao. 

Đối với ao 2.000m2 tối thiểu phải mất 2 ngày và 4 người chia làm hai nhóm, mỗi nhóm ở một đầu của ao nuôi. Trong nhóm, một người dùng chổi quét nước hoặc bàn chải cọ sạch các chất bẩn bám bề mặt bạt. Một người còn lại cầm vòi bơm có công suất lớn để rửa trôi các chất bẩn đó xuống hố ga (rốn ao). Cũng bởi chứng kiến sự vất vả của những người nuôi tôm, hai em đã nảy ra ý tưởng về một chiếc máy giúp người nuôi tôm giảm được nhân công, sức lao động, rút ngắn thời gian khi làm sạch bề mặt đáy ao.

Đức Hoàn cho biết: “Khi tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia, máy của chúng em đã qua 4 lần cải tiến và là nguyên mẫu thứ 5. Nguyên mẫu đầu tiên của chúng em rất đơn giản, khi sử dụng gặp khó khăn do không có giá đỡ bánh xe và phần nước thoát ra đập vào cánh, khiến cánh quay không nhanh. Khi dự thi cấp thị xã là nguyên mẫu thứ 3, thi cấp tỉnh là nguyên mẫu thứ 4 và thi cấp quốc gia là nguyên mẫu thứ 5.”

... đến 2 trong 20 tài năng trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh 2018

Trong sân trường, hai “nhà khoa học nhí” giới thiệu với PV về sáng chế “Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm” của mình. Trong khi Anh Tài giới thiệu sơ lược thiết kế của máy, thì Đức Hoàn lại giới thiệu với PV về nguyên lý hoạt động. “Chúng em sẽ lắp vòi bơm vào phần ống dẫn nước của máy. Sau đó, nước sẽ theo ống vào máy, khiến hệ thống cánh quạt quay. Khi đó chổi được nối với cánh quạt cũng sẽ quay, rửa trôi vết bẩn. Máy của chúng em cũng sử dụng được cả dưới đáy ao và thành bờ.”

img

Hai "nhà khoa học nhí" Ngô Anh Tài và Nguyễn Đức Hoàn giới thiệu về sáng chế của mình. 

Thầy Hoàng Văn Thắng - giáo viên hướng dẫn của hai em cũng chia sẻ: “Khó khăn thứ nhất là việc gia công cơ khí, cả thầy và trò đều không thể tự hàn tự tiện được, vì một số chi tiết đòi hỏi phải tiện với độ chính xác cao. Khó khăn thứ hai là mua vật liệu, một số vật liệu thì phổ biến, nhưng một số vật liệu lại không phổ biến như vòng bi, phớt chắn nước. Hay tấm nhựa, lông để làm chổi cũng vậy, chúng tôi tìm mãi vẫn chưa tìm được vật liệu ưng ý. Mặc dù vật liệu dùng để làm chổi hiện giờ cho hiệu quả, nhưng vẫn chưa thực sự ưng ý lắm.

img

Thầy Hoàng Văn Thắng - giáo viên hướng dẫn của hai em chia sẻ về những khó khăn của thầy và trò. 

Khó khăn thứ ba là không phải lúc nào cũng có ao để thực nghiệm, phải chờ người nuôi tôm thu hoạch xong thì mới thực nghiệm được. Bởi vậy mà từ nguyên mẫu đầu tiên đến nguyên mẫu thứ 5, chúng tôi mất 8 tháng.”

Trước khi chia tay PV, hai "nhà khoa học nhí" tâm sự: Hiện “Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm” của hai em đang làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, hai em sẽ tiếp tục cải tiến máy theo hướng hiện đại hơn, phù hợp với cách mạng 4.0 như máy có thể điều khiển từ xa, tích hợp nhiều tính năng hơn nữa… để giúp những người nuôi tôm bớt vất vả.