Liên quan đến vụ việc một nữ sinh ở Hưng Yên bị nhóm bạn của mình lột quần áo, đánh đập dã man ngay tại lớp học, sáng nay (31.3), ông Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác Bộ GDĐT đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cùng trường THCS Phù Ủng.
Sự việc được cho là vô cùng nghiêm trọng, trong đó có dấu hiệu Ban giám hiệu và nhà trường đã "ém nhẹm" hành vi của các học sinh.
Trường THCS Phù Ủng - nơi xảy ra vụ việc.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phóng - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tuyên bố cách chức toàn bộ Ban giám hiệu, Chi uỷ, kỷ luật hội đồng sư phạm, cô giáo chủ nhiệm.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Cũng theo Hiến pháp năm 2013: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Xét trong vụ việc này thấy, hành vi của 5 nữ sinh tham gia lột quần áo, đánh đập dã man em N.T. H.Y ngay trước sự chứng kiến của nhiều người đã xâm hại đến 2 khách thể Bộ luật hình sự điều chỉnh, đó là sức khỏe và danh dự nhân phẩm của người khác.
Hành vi phạm tội của 5 nữ sinh đã có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích và tội Làm nhục người khác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 BLHS và Điều 155 BLHS 2015.
Tuy nhiên, theo luật sư Thơm, đây vụ việc này xảy ra trong nhà trường giữa các nữ sinh cùng lớp học, các nữ sinh học lớp 9 đều trong lứa tuổi trẻ em dưới 16 tuổi. Do đó sự phát triển tâm sinh lý trẻ em ở lứa tuổi này chưa hoàn thiện, nhận thức pháp luật còn rất hạn chế.
Chính vì thế Bộ luật hình sự 2015 đã quy định về nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội, đặc biệt là trẻ em lứa tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về những loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Như nậy, nếu có căn cứ xác định 5 nữ sinh tham gia đánh, lột quần áo bạn học mà chưa đủ 16 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 BLHS 2015.
Đối với tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS 2015, 5 nữ sinh nếu dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về tội rất nghiêm trọng (có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm) tương ứng với Khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 134 BLHS. Nghĩa là hành vi gây thương tích cho nữ sinh N.T. H.Y phải có tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên thì mới có thể xử lý hình sự cả 5 nữ sinh này được.
Trường hợp, nếu không có căn cứ xử lý hình sự thì hành vi của 5 nữ sinh cũng cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hành chính. Cụ thể Điều 5, Luật xử phạt vi phạm hành chính quy định đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”.
Ngoài trách nhiệm trước pháp luật, gia đình 5 nữ sinh phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, tổn thất tinh thần cho người bị hại theo quy định của Bộ luật dân sự.
Trong khi đó, theo luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), trong vụ việc nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị nhóm bạn lột quần áo, đánh hội đồng, Hiệu trưởng và Ban giám hiệu đã có dấu hiệu “ém nhẹm” là vi phạm đạo đức nghề giáo. Điều này thể hiện rõ căn bệnh thành tích đang còn tồn tại trong ngành giáo dục.
Mặc dù có dấu hiệu che dấu nhưng khó có dấu hiệu vi phạm hình sự vì trong vụ việc các học sinh tham gia đều dưới 16 tuổi. Hành vi không cấu thành tội hình sự nên Hiệu trưởng khó có thể quy vào tội không tố giác tội phạm.
Tuy không bị xử lý hình sự nhưng việc cố tình che dấu của Hiệu trưởng và Ban giám hiệu sẽ bị xử lý kỷ luật. Việc xử lý sẽ do hội đồng tại địa phương quyết định.