Dân Việt

Thế giới mạng trực tuyến “bí ẩn” bên trong Triều Tiên

Trung Hiếu 01/04/2019 06:26 GMT+7
Triều Tiên là một quốc gia vô cùng khép kín và bí ẩn. Thế nhưng thế giới mạng trực tuyến ở đây vẫn rất sôi động, tất nhiên theo một cách đặc biệt.

Tại Triều Tiên, các bác sĩ có thể tư vấn qua chương trình hội thảo trực tuyến. Các bài giảng tại Đại học Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) danh tiếng cũng được “livestream” tới những nhà máy và xã nông thôn ở vùng sâu vùng xa. Người dân có thể sử dụng từ điển trực tuyến và gửi tin nhắn cho nhau qua điện thoại thông minh.

img

Một nam giới Triều Tiên sử dụng điện thoại thông minh ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP.

Trong ví của những người khá giả có cả các thẻ "Jonsong" hoặc "Narae" dùng để mua sắm qua mạng hay thực hiện dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Các máy tính tiền tại các cửa hàng bách hóa lớn đều được gắn vào web.

Song hành 2 mạng trực tuyến

Giải pháp của Bình Nhưỡng về mạng kết nối thông tin trực tuyến là hệ thống 2 lớp. Tầng lớp tinh hoa có thể truy cập tương đối thoải mái mạng internet, còn đại bộ phận dân chúng có thể sử dụng mạng nội bộ intranet quốc gia.

Từ khi lên nằm quyền, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chú trọng nhiều đến vấn đề tri thức.

Khu phức hợp Sci-Tech là một trung tâm truyền bá thông tin liên quan đến khoa học ra toàn quốc. Đây là một dự án mang dấu ấn ông Kim Jong-un. Tại đây đặt trụ sở của thư viện điện tử lớn nhất Triều Tiên. Thư viện này có hơn 3.000 thiết bị đầu cuối mà tại đó các công nhân có thể tham dự học từ xa, trẻ em xem phim hoạt hình còn sinh viên thì tiến hành nghiên cứu.

Pak Sung Jin, một nghiên cứu sinh ngành hóa học 30 tuổi, đang làm đề tài vào một ngày thường trong tuần. Thư viện điện tử đông nghẽn người sử dụng vào ngày thường.

Khác với nhiều người Triều Tiên khác, Pak có kinh nghiệm sử dụng internet. Tuy nhiên việc sử dụng này cần có sự giám sát và dựa trên nhu cầu cụ thể. Nếu cần thông tin từ internet, các cán bộ của trường đại học sẽ tìm cho anh.

Học giả Pak nói rằng nghĩa vụ yêu nước của anh là phải đứng trên các nghiên cứu mới nhất. Anh cho rằng mạng internet đã bị Mỹ đầu độc.

Ngày nay, Pak dựa vào mạng intranet nội bộ của Triều Tiên, gọi là mạng Kwangmyong (Quang Minh).

img

Học sinh Triều Tiên sử dụng các thiết bị vi tính đầu cuối tại Khu phức hợp Sci-Tech ở Bình Nhưỡng, vào tháng 6/2017. Ảnh: AP.

Trình duyệt web của Triều Tiên tên là Naenara. Số lượng website trên mạng nội bộ Kwangmyong là 168.

Hệ điều hành của Triều Tiên mang tên “Sao Đỏ”, do Trung tâm Vi tính Triều Tiên phát triển từ mã nguồn mở Linux.

Các phiên bản Sao Đỏ đã được tuồn ra ngoài và các chuyên gia mã hóa nước ngoài đã phân tích hệ điều hành này. Họ phát hiện ra rằng phần mềm này giúp nhà nước Triều Tiên quản lý chặt chẽ khía cạnh an ninh mạng. Các nỗ lực làm thay đổi chức năng cơ bản của hệ điều hình này hay vô hiệu hóa phần mềm diệt virus sẽ dẫn tới chu trình tự động reboot.

Chỉ một phần nhỏ trong xã hội Triều Tiên được quyền truy cập internet quốc tế, đó là tầng lớp tinh hoa và các quân nhân thuộc lực lượng tác chiến trong không gian mạng. Do vậy giới lãnh đạo Triều Tiên vẫn nắm chắc tình hình thế giới, không bị cách ly về mặt thông tin.

Điện thoại thông minh phổ biến, nhưng chịu sự kiểm soát chặt chẽ

Việc lướt mạng ở Triều Tiên chủ yếu là thông qua điện thoại thông minh chứ không phải máy tính để bàn hay máy tính xách tay.

Một thập kỷ trước, chỉ có một lượng nhỏ quan chức được chỉ định mới có quyền tiếp cận điện thoại thông minh. Ngày nay, theo các báo cáo tài chính của nhà cung cấp dịch vụ chính tại đây, có tới 2,5-3 triệu người sử dụng điện thoại thông minh ở Triều Tiên (dân số nước này là 25 triệu người).

Mức độ phổ biến của điện thoại di động được coi là một trong những thành công lớn trong kỷ nguyên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tuy nhiên, các điện thoại di động ở Triều Tiên không có quyền truy cập internet quốc tế hoặc thực hiện cuộc gọi ra nước ngoài.

Điện thoại ở đây chỉ cho phép người Triều Tiên gọi và gửi tin nhắn cho nhau, chơi game, lướt mạng intranet nội địa và tiếp cận một số dịch vụ nhất định.

Việc mua điện thoại khá đơn giản nhưng các điện thoại này phải được đăng ký và phê chuẩn. Một chiếc “smartphone” loại tốt mang nhãn hiệu Bình Nhưỡng hay Arirang có giá từ 200-400 USD. Có nhiều điện thoại thông thường, với mức giá thấp hơn nhiều.

Người nước ngoài ở Triều Tiên phải sử dụng một mạng điện thoại khác biệt và không thể thực hiện hoặc nhận cuộc gọi từ các số địa phương. Họ có thể mua điện thoại địa phương nếu họ muốn nhưng các thiết bị này sẽ bị tước bỏ các ứng dụng hay tính năng thường có và được mã hóa chắc chắn để sau này họ không thể cài thêm ứng dụng nào nữa.