5 doanh nghiệp này gồm Công ty Cổ phần Docifish, Công ty Cổ phần thực phẩm Gò Đàng, Công ty Cổ phần Tô Châu, Công ty TNHH Hùng Cá và Công ty Cổ phần thủy sản NTSF.
Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có 13 doanh nghiệp được cấp chứng nhận ASC. Trước đó, có 8 doanh nghiệp thủy sản được các tổ chức Control Union Peru SAC và Institute for Marketecology trao chứng nhận từ cuối năm 2012. Trong số 13 trại nuôi cá tra đạt chứng nhận, có 5 trại ở Đồng Tháp, 4 trại ở Tiền Giang, 2 trại ở An Giang và 2 trại ở Cần Thơ.
Chứng nhận ASC đảm bảo rằng sản phẩm được sản xuất một cách bền vững, có trách nhiệm. |
Cũng theo thông tin từ VASEP, hiện Việt Nam còn có 5 trại nuôi cá tra đang trong quá trình thẩm định để được chứng nhận ASC, gồm vùng nuôi Tân Thuận Đông của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, trại nuôi cá vùng Thanh Bình của Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Cửu Long, trang trại Cồn Bần của Công ty Cổ phần Hùng Vương, trang trại số 1 – Mỹ Hòa Hưng của Công ty Cổ phần Nam Việt và trang trại Cồn Linh của Công ty Cổ phần Gò Đàng. Dự kiến, quá trình thẩm định sẽ kết thúc vào tháng 2.2013.
ASC là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng đối với nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản, xoay quanh các vấn đề về khía cạnh môi trường và xã hội như: pháp lý, sử dụng đất và nước, ô nhiễm nước và kiểm soát chất thải, di truyền và đa dạng sinh học, kiểm soát thức ăn, kiểm soát sức khỏe, thuốc thú y và hóa chất, trách nhiệm với người lao động và cộng đồng xung quanh. Trong đó, trách nhiệm xã hội được đánh giá là vấn đề còn khá mới mẻ đối với đối với Việt Nam.
Trong vòng 20 năm qua, khối lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã tăng 50 lần và sản xuất cá tra đã đạt tốc độ phát triển chưa từng có trong bất kỳ lĩnh vực thực phẩm nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển theo cấp số nhân đã dẫn đến những vấn đề khác thuộc trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, liên quan đến môi trường, xã hội và an toàn thực phẩm. Chứng nhận ASC giúp nhà sản xuất đảm bảo với nhà bán lẻ, nhà hàng, công ty dịch vụ thực phẩm và người mua rằng sản phẩm có nguồn gốc từ nhà sản xuất có trách nhiệm.
Trong khi đó, số liệu của Tổng Cục Hải quan cũng cho biết, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2012 đạt 1,744 tỷ USD, giảm 3,4% so với năm trước. Mặc dù mức giảm không nhiều nhưng đây là năm đầu tiên kể từ 2009 đến nay, giá trị xuất khẩu cá tra giảm.
Theo đánh giá của VASEP, nguyên nhân sự sụt giảm này chủ yếu do nhu cầu cá tra của 2 thị trường nhập khẩu trọng điểm và truyền thống là EU và Mỹ không đạt được như mong muốn, dẫn đến tổng giá trị xuất khẩu cá tra năm 2012 đến các thị trường trên thế giới thấp hơn so với năm 2011, thậm chí không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, những nguyên nhân về khó khăn nội tại của ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra trong nước cũng khiến giá trị ngành này sụt giảm.
Thuận Hải