Đó là chia sẻ của bác sĩ Trương Cao Luận – Giám đốc Nha khoa Sài Gòn H.N khi được hỏi về lý do anh thường xuyên có những việc làm từ thiện đến với các học sinh nghèo vùng sâu vùng xa.
Gia đình có tới 6 anh chị em
Bác sĩ Luận sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Tây Sơn, Bình Định. Quê hương là cái đòn gánh của 2 đầu đất nước, nắng cháy da cháy thịt, mưa thâm cả bùn non trở thành một ký ức không bao giờ quên trong anh.
“Lúc còn nhỏ ở nông thôn, vào những ngày mưa đường đi lại khó khăn, đường bẩn, trơn, lầy lội lắm. Rồi những ngày mưa lũ đến học sinh phải nghỉ học, nước ngập băng băng khắp mọi nơi, giờ nghĩ lại thôi mình vẫn thấy sợ” – bác sĩ Luận chia sẻ.
Hình ảnh bác sĩ Trương Cao Luận luôn gần gũi với trẻ em. Ảnh: NVCC
Bác sĩ Luận là con thứ 3 trong gia đình có 6 anh chị em, nỗi vất vả càng trở nên nặng gánh hơn trên đôi vai cha mẹ anh. Vì vậy, các anh chị em trong gia đình đều tự bảo ban nhau học hành để không phụ công cha mẹ. Các anh của anh lần lượt đỗ trường Y, dược là niềm tự hào của cả làng, xã lúc bấy giờ.
Năm 1993, bác sĩ Luận đỗ Đại học Y TP.HCM, chuyên ngành Răng - Hàm - Mặt. Niềm vui chưa kịp lan tỏa, nỗi lo lắng đã chồng chất vì thời gian học Y quá dài, trong khi các em của anh cũng đang muốn lựa chọn ngành học này nhưng gia đình khó khăn.
“Học Y lúc đó đến 5-7 năm, các anh học chưa xong, chưa đi làm, mình tiếp tục học Y, em mình lại muốn vào trường Y. Bố mẹ làm nông nuôi 6 anh chị em ăn học, đặc biệt lại học đại học nên càng vất vả hơn. Vì thế, mình đã không cho các em học Y nữa mà học trường, ngành nào nhanh ra trường để phụ giúp bố mẹ”, bác sĩ Luận tâm sự.
Vì cái nghèo khó nên 2 người em kế tiếp sau anh đã từ bỏ ước mơ khoác áo blouse để theo ngành học khác.
Gieo ước mơ cho học sinh nghèo
Năm 2000, bác sĩ Luận tốt nghiệp Đại học. Năm 2001, anh quyết định ra Hà Nội để lập nghiệp với gần 700.000 đồng trong tay - số tiền còn lại từ việc bán chiếc xe Dream cũ. Một chàng trai chưa từng đặt chân ra Bắc lại liều lĩnh lập nghiệp ở nơi này chỉ với mấy trăm ngàn, sự khó khăn nhân lên gấp bội. Từ làm thuê cho các phòng khám, cuối cùng anh cũng mở được phòng khám của riêng mình.
Sau những khó khăn đã qua, vị bác sĩ tâm niệm rằng mình sẽ gieo những ước mơ về con đường học tập cho các học sinh ở vùng sâu, vùng xa và giúp đỡ những người nghèo.
“Mình đã có một thời vất vả, nghèo khó, mình nhận thấy cần phải học để vươn lên và giờ mình muốn truyền ngọn lửa đó đến các em học sinh”, bác sĩ Luận nói.
Bác sĩ Luận hướng dẫn cách chải răng miệng cho các em học sinh trong một chương trình từ thiện...
... và dành tặng các phần quà từ thiện cho những hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC
Từ suy nghĩ, bác sĩ Luận đã biến nó thành những hành động thiết thực. Anh liên tục tham gia tổ chức những chương trình từ thiện về với các em học sinh, những người dân nghèo vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.
Dấu chân anh đã hằn sâu trên rất nhiều những cung đường của núi rừng Tây Bắc và không ít lần anh phải bật khóc trước những cảnh đời nơi đây.
“Đầu năm 2018, trong chương trình tổ chức tại xã Làng Sáng, huyện Bắc Yên (Sơn La), mình và cả đoàn đi vào bản Háng Đồng – một bản người Mông nằm giữa núi rừng Tây Bắc để trao quà và tổ chức khám răng cho mọi người. Để vào được bản đoàn đã phải trải qua 21km đường đi xuyên rừng, với gần 10 tiếng đi bộ giữa cái rét 0 độ, mưa phùn. Khi đoàn vào đến bản, người dân đang đốt lửa giữa sân xúm lại chờ đoàn. Mình đã bật khóc. Mình khóc vì tình cảm mọi người dành cho đoàn và khóc vì thương các thành viên, bởi lúc đến bản cũng đã 22h đêm. Nhiều thành viên gần như kiệt sức, gục xuống. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng nếu trở lại khoảng thời gian đó mình vẫn chọn đi vào nơi đây. Bởi vì nếu không có đoàn vào thì sẽ không có những dấu chân thứ 2 dám vào thăm bản”, bác sĩ Luận xúc động nói.
Bác sĩ Trương Cao Luận trong một chương trình khám răng cho trẻ em nghèo tại Điện Biên. Ảnh: NVCC
Ngoài việc ủng hộ tiền mặt, các hiện vật, bác sĩ Luận còn tổ chức các bác sĩ cùng khám răng miệng, tặng các em học sinh kem, bàn chải đánh răng như một lời nhắc nhở về sức khỏe.
Nói thêm về động lực đến với học sinh nghèo, khó khăn anh Luận cho biết: “Mỗi chương trình từ thiện về trường học vùng cao, mình hỏi về ước mơ của các em và nghe các em ước mơ trở thành bác sĩ để về chữa bệnh như mình thôi mà nghẹn ngào xúc động”.