Gỏi lá Kom Tum
Món ăn này có cái tên đặc biệt là “gỏi lá” vì thành phần có tới 60 loại lá khác nhau, mỗi lá mang một mùi vị đặc trưng của đặc sản Tây Nguyên. Gỏi lá ăn chung với thịt ba chỉ luộc chín thái mỏng, tôm đất được cắt đầu rang vàng khô vừa béo vừa mềm. Món bì heo được chế biến vô cùng công phu khi được thái sợi rồi trộn với riềng giã mịn và gia vị. Phải có thêm đĩa tiêu nguyên hạt, muối hạt và ớt chỉ thiên, loại ớt xanh có mùi thơm đặc trưng của đất đỏ bazan.
Điểm nhấn của món này là nước chấm. (Ảnh: Đẹp Online)
Nước chấm của món gỏi lá Kon Tum không phải nước mắm hay nước tương thông thường mà được đặc chế từ hèm rượu, khử qua bằng dầu ăn rồi trộn cùng trứng vịt tạo nên chén nước chấm đậm đà, bắt mắt có màu vàng của nghệ. Sau đó, tất cả các loại lá đã được hái từ sáng sớm sẽ được rửa sạch và bày lên mâm. Các món ăn kèm cũng dọn ra cùng.
Gỏi lá Kon Tum từng hai lần được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là top 10 đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á. Người dân địa phương thường nói rằng đến với Kon Tum, chưa ăn gỏi lá thì chưa nên về. Gỏi lá được ví như tinh hoa của Tây Nguyên với gần 60 loại lá mọc trên vùng đất đỏ bazan. Món ăn mang đậm chất núi rừng khi trong mâm Gỏi lá, như tên gọi của nó, toàn lá là lá.
Mỗi lần thưởng thức một cuốn gỏi là mỗi cảm nhận khác nhau về hương vị lá vì có đến gần 60 loại lá trong mâm gỏi. Tất cả như hòa vào nhau, mang đến cho thực khách những trãi nghiệm thật khó quên về hương vị núi rừng.
Bún đỏ Đăk Lăk
Đến Buôn Ma Thuột mà chưa một lần nếm thử bún đỏ Đắk Lắk – món ăn là niềm tự hào của riêng người dân ở đây thì coi như chưa đi hết thành phố này. Bún đỏ là tên gọi theo màu của sợi bún, sợi bún ở trên này giống sợi bánh canh của người miền Trung nhưng to hơn, chắc phải cỡ chiếc đũa, ăn dai giòn. Ban đầu chúng có màu trắng tinh nhưng cho vào nồi nước dùng được nầu từ gạch cua, xương heo và nhất là cho thêm hạt điều để “nhuộm” thì chuyển sang màu đỏ rất bắt mắt.
Độc đáo nhất của món bún này chính là màu đỏ pha vàng của nước lèo và sợi bún. Bí quyết của màu nước lèo ấn tượng này chính là sự hòa trộn của hạt điều đỏ và gạch cua. Nước từ cua khiến nồi nước lèo bún đỏ có vị ngọt thanh và mùi đặc trưng.
Rau rừng
Đến với Tây Nguyên không thể không thưởng thức Rau rừng Gia Lai. Ở xứ Quảng – Đà người ta gọi là rau lúi. Vài năm gần đây, Rau rừng Gia Lai đã lan tỏa rất nhanh trong văn hóa ẩm thực từ Tây Nguyên đến Sài Gòn. Rau rừng Gia Lai được xem như là một đặc sản mà không phải nhà hàng nào cũng có. Nhất là ở phía Bắc và Hà Nội thì loại rau này rất quý hiếm, độc đáo, hầu như chưa có.
Chất rừng đặc trưng của nó không phải ở hương vị ngọt mà ở cảm giác rất thanh mát, rất giòn, nếu có quá lửa cũng không bị nát, dừ. Ban đầu cứ tưởng nó chẳng có mùi vị gì, nhưng khi nếm thử thì mùi vị đặc trưng của nó không thể lẫn với bất kì loại rau nào khác. Người mới ăn lần đầu có khi chưa thích nhưng lần sau ăn lại thì rất mê, càng ăn càng ghiền.
Nghe thì cũng chỉ thấy là một loại rau nào đó trồng trong rừng thôi, chả có gì đặc sắc thế mà nó lại có điều đặc biệt đó. Ăn ngon nhất là luộc hoặc xào tỏi chấm với mắm cua – loại mắm đặc sản chỉ có ở Gia Lai, nếu không có mắm cua thì thay bằng nước mắm kho quẹt kiểu Nam Bộ cũng vẫn được.
Bò một nắng
Món ăn này có thành phần là thịt bò thái mỏng ướp qua các loại gia vị, sau đó được đem phơi ngoài nắng trong một ngày nên mới có cái tên là bò một nắng. Thịt sau khi phơi khô được người dân đóng gói kỹ, khi muốn ăn chỉ cần lấy ra nướng trên than hồng là có món thịt nướng thơm ngất ngây. Bò một nắng nướng thường được dùng với muối kiến vàng, một loại muối chấm của người dân tộc miền núi. Người làm rang chín kiến càng, sau đó giã nhuyễn với lá then len để làm loại muối đặc biệt này.
Khi ăn, thực khách sẽ xé từng miếng thịt bò rồi chấm vào chén muối, dùng kèm với các loại rau rừng. Món ăn này rất thích hợp để làm quà và là một món đặc sản Tây Nguyên bạn không nên bỏ qua khi có dịp đến với núi rừng.
Cơm lam
Có thể nói, cơm lam là nét đặc trưng và là niềm tự hào của nền ẩm thực núi rừng Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Món ăn này mang trọn vẹn hương vị của sông núi như vị ngọt của gạo và mùi thơm của tre nứa, khói củi. Nguyên liệu cho món cơm lam thường là gạo nếp trộn cùng vài thành phần khác như nước cốt dừa, dừa nạo, vừng… Sau khi nén các nguyên liệu vào ống tre hay ống giang, đầu bếp sẽ bọc ống cơm bằng lá chuối, sau đó đem nướng trên lửa.
Khi cơm chín, bạn sẽ ngửi thấy mùi thơm ngon khó cưỡng toát ra từ những ống tre cháy sạm. Mỗi ống sau đó được chặt thành 5, 7 khúc. Lúc ăn, bạn chỉ cần bóc lớp vỏ bên ngoài và chấm cơm với muối mè. Món cơm lam đơn giản vậy thôi nhưng đã khiến biết bao thực khách phải xuýt xoa thương nhớ.
Gà nướng bản Đôn
Gà nướng bản đôn là món đặc sản Tây Nguyên được rất nhiều du khách yêu thích. Không gì tuyệt hơn việc cùng ngồi lại thưởng thức một con gà được nướng theo đúng chuẩn Tây Nguyên giữa không khí trong lành, se lạnh của vùng rừng núi hoang sơ. Những con gà nướng ở đây là loại gà thả vườn và chúng phải được bắt mổ vào đúng thời kỳ mới lớn thì thịt mới ngọt và chắc. Trước khi nướng, thịt gà được làm sạch và ép dẹp xuống cho dễ ngấm gia vị.
Thịt gà nướng bản đôn thường được ướp với nước sả, muối ớt và mật ong rừng. Gà cũng phải được giữ nguyên con và nướng xa lửa để mùi vị thấm dần đều, ám khói thơm ngây ngất. Món gà này ngon nhất khi chấm với muối sả hoặc muối ớt rừng xanh được làm theo đúng chuẩn Tây Nguyên.
Heo rẫy nướng
Heo nướng cũng là một món ăn phổ biến và là món đặc sản Tây Nguyên xuất hiện nhiều trong các dịp lễ hội. Heo rẫy là loại heo được người dân Tây Nguyên nuôi theo tiêu chí chăn thả tự nhiên. Loại heo này khi nướng lên có mùi thơm hấp dẫn rất đặc trưng. Món heo rẫy nướng đúng chuẩn người Tây Nguyên phải có lớp da mỏng, nhưng giòn, ít mỡ. Thịt bên trong phải mềm và ngọt.
Bí quyết cho hương vị đặc biệt của món ăn này còn nằm ở công thức ướp thịt gia truyền của người dân địa phương. Để thịt có màu vàng óng, người nấu phải phết một lớp nước chanh và mạch nha lên bề mặt da heo ngay trước khi nướng.