Người dân xuống biển không bị rào chắn
Tại hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị Quy Nhơn vừa qua, lời khen ‘tuyệt vời chất lượng đô thị’ từ chuyên gia, cùng các câu hỏi tò mò về sự tồn tại của thành phố du lịch này đã nhiều lần được nhắc đến.
Mở đầu câu chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nói rằng, việc quy hoạch ở Quy Nhơn được định hướng theo kiểu, thành phố hiện đại nhưng có bản sắc riêng, giữ được cảnh quan tự nhiên vốn có.
Quy Nhơn được ‘ưu ái’ ban tặng đường bờ biển dài nên không gian biển luôn được ưu tiên, gắn liền với 2 trục đường chính là An Dương Vương và Xuân Diệu. Ở đây, chỉ quy hoạch một số công trình cao tầng tạo điểm nhấn, không ưu tiên phát triển nhà cao tầng dọc bờ biển. Bằng mọi cách, giữ được không gian biển cộng đồng, để người dân và du khách đều có thể dễ dàng, tự do tận hưởng vẻ đẹp Quy Nhơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng: "Quy Nhơn có sự khác biệt". Ảnh: Dũ Tuấn.
“Cái khác biệt của Quy Nhơn là mọi người đều được xuống biển, không có rào chắn lối xuống biển, biển cũng không có cấp cho ai cả. Đây là sự cố gắng rất lớn, mà Quy Nhơn đã giữ được cho đến lúc này. Bình Định không làm theo hướng phát triển đô thị một cách ồ ạt trong nội thành như các địa phương khác”, ông Dũng cho hay.
Chủ tịch tỉnh Bình Định thừa nhận, ban đầu tỉnh này đã có ý tưởng sẽ di dời trường Đại học Quy Nhơn (đang nằm ở vị trí ‘đất vàng’ nội thành) nhưng sau khi cân nhắc giữa việc di dời và giữ lại. Bình Định đã quyết định giữ lại Đại học Quy Nhơn, bởi ngôi trường này là một điểm nhấn cho không gian kiến trúc thành phố.
“Chúng tôi rất chú trọng bảo tồn cảnh quan, văn hóa thiên nhiên. Làm sao trong thành phố phải có thật nhiều cây xanh, cảnh quan tự nhiên nào có thể giữ lại được thì phải tìm mọi biện pháp để giữ lại, tạo sự phát triển hài hòa”, ông Dũng nói.
Một góc 'vầng trăng khuyết' của bãi biển du lịch Quy Nhơn khiến du khách không thể quên. Ảnh: Dũ Tuấn.
Phân lô bán nền thì ‘giàu to’, nhưng không làm
Chủ tịch tỉnh Bình Định đặc biệt nhắc đến sự chuyển dịch của Khu kinh tế Nhơn Hội mà ông cho rằng, đây là quyết định phù hợp, dù trước đó có nhiều ý kiến còn nghi ngờ về sự thành công từ hướng đi này.
“Thú thật, có thời gian Bình Định đã mời dự án lọc hóa dầu ‘khủng’ với tổng vốn lên đến 22 tỷ đô la. Nhưng rồi, chúng tôi nghĩ lại dự án sẽ rất nguy hiểm vì nhà máy nằm trên đầm Thị Nại, ảnh hưởng nhiều thứ nên quyết định dừng thu hút dự án này. Bản chất khu kinh tế được chuyển dịch, từ định hướng tổ hợp công nghiệp nặng sang đô thị và du lịch, còn lại công nghiệp rất ít. Chuyện này đang được trình Thủ tưởng phê duyệt và cũng may mắn là chúng tôi nhận ra điều này kịp thời”, ông Dũng chia sẻ.
Bình Định dùng hơn 200ha đất 'một bên núi, một bên biển' để phục vụ khoa học. Ảnh: Dũ Tuấn.
Ông Dũng cho rằng, hình thành Khu đô thị Khoa học đầu tiên của Việt Nam ở vùng đất Quy Hòa (TP.Quy Nhơn) là quyết định ‘liều mạng’ nhưng lại có ý nghĩa đậm nét, mang khát vọng phục vụ cộng đồng. Nếu đem khoảng 242ha đất ở vị trí ‘một bên núi, một bên biển’ phân lô bán nền, làm resort, khách sạn thì Bình Định sẽ thu được khoảng tiền rất lớn, nhưng chúng tôi lại không chọn cách đó.
“Ở đây, có trung tâm quốc tế giáo dục liên ngành nơi gặp gỡ các nhà khoa học hàng đầu thế giới, tổ hợp không gian khoa học dành cho tất cả người dân yêu thích, khám phá thành quả khoa học và công viên phần mềm. Chỉ có Bình Định mới dám dùng quỹ đất đẹp nhất để phục vụ khoa học, tôi cho rằng đó là điều rất ý nghĩa”, ông Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch tỉnh Bình Định cũng thừa nhận rằng, thực tế không phải mọi việc trong câu chuyện quy hoạch phát triển Quy Nhơn được lãnh đạo, cơ quan chuyên môn tỉnh này nghĩ ra đều hoàn toàn đúng. Bởi vậy, Bình Định luôn ‘cầu thị’, rất muốn lắng nghe sự góp ý từ chuyên gia, người am hiểu để xây dựng Quy Nhơn trở thành nơi phục vụ cộng đồng.
Họ đổi ‘đất vàng’ lấy công trình, Quy Nhơn chỉ lấy cây xanh
Đó là ví von được Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Định Lê Đăng Tuấn đưa ra, để nói đến cách làm quy hoạch của phố biển Quy Nhơn.
Theo ông Tuấn, nếu như ở nơi khác ‘đất vàng’ sẽ được dùng để xây dựng công trình thì điều khác lạ ở Quy Nhơn, đổi ‘đất vàng’ chỉ để trồng cây xanh, công viên phục vụ cộng đồng.
Ông Tuấn kể lại rằng, trước đây toàn bộ phía biển Quy Nhơn tồn tại hàng loạt công trình nhếch nhác, mức độ nhà cửa dày đặc khiến che khuất tầm nhìn ra biển.
Quảng trưởng trung tâm Quy Nhơn được ưu tiên vị trí khá đẹp, là không gian phục vụ cộng đồng. Ảnh: Dũ Tuấn.
Ở đường ven biển Xuân Diệu, tỉnh Bình Định đã quyết định và chấp nhận ‘tiêu tốn’ tiền bạc, thử thách thời gian… để giải tỏa, di dời khoảng 2.500 hộ dân.
Một việc làm rất khó khăn ở thời điểm đó nhưng được người dân ủng hộ và mục đích duy nhất là để tạo ra không gian cộng đồng đặc trưng ở biển Quy Nhơn bây giờ.
“Rất may, sự nỗ lực này đã được nhiều du khách, cán bộ cấp cao đến với Quy Nhơn đánh giá cao. Chúng tôi quy hoạch luôn tôn trọng, phát triển không gian sinh hoạt cộng đồng, chứ không phải muốn xây dựng cái gì cũng được, không tư nhân hóa bãi biển nào cả. Thực tế, mật độ xây dựng hơi thấp, khoảng cách công trình xa và thụt lùi vào phía trong. Đây là sự trả giá rất lớn vì giá trị khai thác đất sẽ bị giảm đi nhưng bù lại Quy Nhơn có được bản sắc riêng, phục vụ cộng đồng”, ông Tuấn chia sẻ.