Dân Việt

Cú điện thoại "cứu" cuộc đời cô gái Mông suýt đốt giấy nhập học

Lệnh Anh Thắng 02/04/2019 19:30 GMT+7
Tưởng không thể đi đại học vì đỗ 28,5 điểm mà nhà không có tiền, Chấu (Hà Giang) bất ngờ nhận được cuộc gọi giúp từ người lạ.

Hai năm trước, nhận kết quả báo đỗ Đại học Luật Hà Nội với 28,5 điểm - là thí sinh duy nhất của toàn huyện Quản Bạ, Hà Giang có điểm trên 20, Sùng Thị Chấu buồn khôn tả vì bố mẹ chẳng hiểu đỗ đại học là gì, anh trai thì bảo: "Đừng đi học nữa, ở nhà chăn dê thôi".

img

Chấu là con thứ 5 trong gia đình có 10 anh chị em ở thôn Cán Hồ, xã Thái An, huyện Quản Bạ, Hà Giang. Bố mẹ cho chị em Chấu đi học vì ở trường có cơm ăn. Ảnh: Lệnh Thắng.

Với gia đình có 10 đứa con như nhà họ, bữa ăn sang lắm chỉ là mèn mén (bột ngô), thì Chấu "học hết lớp 12 là quá nhiều rồi, lo mà đi làm nương rẫy, hay cưới chồng như các bạn". Cô thiếu nữ thử bàn với gia đình xuống Hà Nội vừa học đại học vừa đi làm, người mẹ cầm tay cô khóc: "Con à, nhà mình chỉ ăn rau còn đói cái bụng, bố mẹ không thể cho con đi học".

Khi Chấu định đốt bỏ giấy báo nhập học và nhiều tập bằng khen - đã sạm màu bởi khói than và bồ hóng, trong đó có giải 3 quốc gia môn địa lý - thì có một đoàn từ thiện Hà Nội lên thăm địa phương. Họ đồng ý giúp Chấu xuống Hà Nội học, dự định thuê nhà cho cô ở.

Bà Ngô Thị Nhàn (Thanh Trì, Hà Nội), một người thường xuyên đi làm từ thiện, nghe được tin đã gọi điện thoại cho Chấu. Cuộc điện thoại dài hơn chục phút với cô gái trẻ xa lạ đã khiến bà quyết định đón cô về ăn ở cùng, vì nhận ra sự nỗ lực trong giọng nói có phần rụt rè, hiền lành của cô. 

"Chấu bằng tuổi con gái út của tôi. Việc nuôi thêm một đứa con gái cũng không quá to tát, chỉ thêm bát thêm đũa. Chấu chăm chỉ, tôi càng không hối hận với quyết định này", bà Nhàn tâm sự.

img

Chấu nhớ nóc nhà, mẹ cha và các em hàng đêm. Niềm mong mỏi duy nhất của cô là học xong giúp gia đình có cơm, có thịt. Ảnh: NVCC.

Đầu tháng 9.2017, Chấu xuống thủ đô. Ngày đầu nhập học, bà Nhàn lo lắng bởi sắc mặt của Chấu tái đi khi nhìn thấy dòng xe cộ đi lại, cô bấu chặt lấy tay bà mỗi lần sang đường, đơ người không dám vào thang máy. Đoàn từ thiện đã mua xe đạp điện cho Chấu đi học, nhưng nhìn thấy cảnh đấy, mọi người thống nhất để cô đi xe bus.

Mọi thứ với Chấu ở đây đều xa lạ, từ cái bếp gas, cho đến những tia nước nóng từ vòi hoa sen, những bữa cơm có thịt, có hải sản. "Em chạnh lòng vì nhớ bố mẹ, nhớ các anh chị em. Họ chỉ mong có đủ mèn mén ăn qua mùa đông chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ có thịt, cá để ăn cả", Chấu rớm nước mắt kể.

Hai năm trôi qua, Sùng Thị Chấu giờ đây trở thành một sinh viên năng nổ ở khoa Luật tổng hợp, Đại học Luật Hà Nội. Cô thường tham gia thảo luận các môn học bằng sự tự tin, khác hẳn vẻ ngoài rụt rè, giản dị của cô thiếu nữ vùng cao nghèo khổ. 

"Giáo án của tôi tại lớp Chấu hay bị 'cháy' vì những câu hỏi hóc búa của em ấy", cô Nguyễn Thanh Hương, giảng viên khoa Khoa lý luận chính trị, Đại học Luật Hà Nội, chia sẻ.

Còn trong mắt bạn bè, Chấu chăm chỉ, ham học hỏi và luôn có những suy nghĩ đặc biệt. Ngoài giờ ở lớp, đi thư viện hay đi xe bus, cô cũng thường mải đọc sách đến mệt ngủ. Tháng 11.2018, Chấu được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng bằng khen vì thành tích là một trong những học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc.

Ở nhà bà Nhàn, Chấu được dành phần lớn thời gian cho việc học. Nghỉ lễ bà ngỏ ý cho tiền về quê song cô không nhận, vì không muốn bà tốn kém vì mình thêm nữa. 

img

Chấu đang sống cùng gia đình bà Nhàn ở Thanh Trì (Hà Nội), được gia đình nuôi ăn ở. Vì là người dân tộc khó khăn nên cô không mất tiền học phí. Ảnh: Lệnh Thắng.

"Chấu nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn và khỏe lắm, có những chuyến chúng tôi đi từ thiện các địa phương, Chấu giúp khuân hàng tấn đồ, bằng 2 người thường", người phụ nữ ngũ tuần kể.

Hai năm rồi, nhiều đêm Chấu thức giấc, trong mơ cô thấy mình được sà vào lòng mẹ và cuộc sống gia đình không còn khó khăn như trước nữa. "Đây là động lực duy nhất thôi thúc em cố gắng nhiều hơn", Chấu nói. 

* Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại