Dân Việt

Doanh nghiệp thủy sản xoay xở biến da cá, mỡ cá thành tiền

Quốc Hải 04/04/2019 13:30 GMT+7
Năm 2018 ngành thủy sản với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2017. Năm 2019 này, dự báo ngành sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn dù được đánh giá “nếu tận dụng lợi thế ưu đãi từ CPTPP xuất khẩu tôm và cá tra sẽ có nhiều ưu đãi về thuế”…

“Chớp” cơ hội từ CPTPP

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu (XK) thủy sản tháng 2.2019 ước đạt 372 triệu USD, đưa giá trị XK thủy sản 2 tháng đầu năm 2019 đạt 1,13 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Kết quả này có được đến từ những động lực tăng trưởng như dự báo lượng tiêu thụ của thế giới tăng, lợi thế từ các FTA, trong đó đặc biệt là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ 14.1.2019, đã tạo “hiệu ứng” khiến ngành thủy sản đẩy mạnh XK hơn sang các thị trường tiềm năng.

img

Thu hoạch cá tra ở Ô Môn, Cần Thơ.  Ảnh: I.T

Theo đánh giá của VASEP, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, cùng với thuận lợi 2019 là năm hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế trong Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) thì đây là thời điểm thích hợp để DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào Nhật Bản khi thuế nhập khẩu tất cả các mặt hàng thủy sản từ Việt Nam vào nước này được đưa về 0%.

Chẳng hạn, với ngành cá tra trong 2 tháng đầu năm đã có chuyển biến tích cực khi giá trị XK tăng tới 17% so với cùng kỳ (đạt 309,75 triệu USD). Trong đó, 4 thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam lần lượt là Trung Quốc - Hongkong (60 triệu USD), Mỹ (53 triệu USD), Liên minh châu Âu (EU - 44 triệu USD) và ASEAN (33 triệu USD). Kim ngạch XK vào 4 thị trường lớn này cũng tăng lần lượt 7%, 26%, 94% và 10% so với cùng kỳ năm 2018.

Đặc biệt, giá trị cá tra XK sang một số thị trường đơn lẻ lớn như: Anh, Hà Lan, Đức và Bỉ có mức tăng trưởng rất tốt, lần lượt là 66%, 21,7%, 102,5% và 123,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong các doanh nghiệp (DN) XK cá tra hàng đầu 2 tháng đầu năm 2019, có thể kể đến những cái tên như: Vĩnh Hoàn (VHC) với kim ngạch XK lớn nhất, đạt 44,32 triệu USD, chiếm 14,3% thị phần XK. Kế đến là Navico (ANV) với 20,33 triệu USD, chiếm 7% thị phần và I.D.I (IDI) xếp thứ 3 với kim ngạch 18,19 triệu USD, chiếm thị phần 6%. Xếp thứ 4 về thị phần XK là Biển Đông với kim ngạch đạt 17,95 triệu USD, chiếm khoảng 5% thị phần và GODACO xếp thứ 5 với kim ngạch 14,09 triệu USD, chiếm 4% thị phần XK.

Riêng với ngành tôm, trong 2 tháng đầu năm 2019, XK tôm sang 5 thị trường chính đều giảm, trong đó giá trị XK sang EU giảm mạnh nhất 27,6%; XK sang Trung Quốc giảm 1,6%; sang Mỹ giảm 19,2%; sang Hàn Quốc giảm 18% và Nhật Bản giảm 0,9%.

Vẫn còn nhiều thách thức

Một số chuyên gia đánh giá, để cán đích con số 10 tỷ USD, ngành thủy sản phải xây dựng chiến lược phát triển nuôi hợp lý, nâng cao công nghệ chế biến và thúc đẩy XK. Trong đó, điểm quan trọng là toàn ngành cần tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thủy sản và các loại bệnh phổ biến trong tôm. Điều này nhằm củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm tôm Việt, tiến tới tăng cường XK mặt hàng này vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, EU...

img

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Đa Quốc gia (IDI), thuộc Sao Mai Group. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong khi đó, ở góc độ các DN, nhiều đơn vị xuất khẩu đang đẩy mạnh tăng giá trị gia tăng bằng việc tận dụng các phụ phẩm từ cá tra hoặc đẩy mạnh vùng nuôi trồng, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng và sản xuất. Chẳng hạn, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (Mã: IDI) đang đầu tư chế biến mỡ cá thành dầu ăn.

Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) cũng đang tận dụng da cá để chế biến các sản phẩm có chứa Collagen và Gelatin. Đặc biệt, năm 2019, Vĩnh Hoàn sẽ tập trung cung cấp sản phẩm phile cùng chuỗi sản phẩm, hướng đến những phân khúc thị trường khác biệt. Chưa kể, đầu năm nay, công ty cũng góp 45% vốn, tương đương 22,5 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH Sản xuất giống cá tra Vĩnh Hoàn, thành lập chuỗi khép kín về sản xuất.

Còn tại Navico, mới đây công ty đã chính thức khởi công Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thuỷ sản Bình Phú có quy mô 600ha, vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Dự kiến khi đi vào hoạt động, dự án sẽ sản xuất 200.000 tấn cá tra nguyên liệu/năm, mục tiêu xuất khẩu 100%. Khi dự án đi vào hoạt động, tổng xuất khẩu của Navico kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 250 - 300 triệu USD/năm.