Bởi Duy Dân nghĩ, chỉ có cách đó mới kết nối khách hàng ở tất cả các nơi mà không bị giới hạn. Đến thăm vườn lan rừng của chàng trai trẻ Tống Duy Dân, ít ai nghĩ rằng chàng trai 30 tuổi này lại đang nắm trong tay tài sản trị giá gần chục tỉ đồng.
Vườn lan rừng được Dân gầy dựng cách đây 5 năm với tên gọi Lan rừng Đà Lạt nay đã trở thành địa chỉ cung cấp cũng như nơi giao lưu của giới mê lan trên nhiều tỉnh, thành. Dân nói rằng, trước đó không nghĩ đến việc kinh doanh mà chỉ xuất phát từ niềm đam mê.
Duy Dân dự tính phát triển theo hướng kết hợp du lịch, tham quan để giới thiệu vẻ đẹp của lan rừng đến mọi người. Ảnh: H.Thắm.
Từ lâu Dân đã yêu thích và tìm, sưu tầm một số loại lan rừng về trồng tại nhà. Thế rồi từ việc bạn bè nhiều nơi có ý định trao đổi các loại lan rừng quý với nhau, Dân nghĩ tại sao không thể tận dụng để có thể kiếm tiền từ đam mê. Đến nay vườn lan được mở rộng hơn 2.000 m2 trong nhà lưới được lắp đặt hệ thống giàn treo, tưới nước… với hàng ngàn chậu lan lớn nhỏ, tỏa hương thơm ngào ngạt.
Kể về câu chuyện của mình Dân không ngần ngại chia sẻ một điều là anh nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía gia đình bởi đối với nghề kinh doanh lan rừng, bên cạnh hiểu biết và niềm đam mê thì điều cần thiết nhất là nguồn vốn cũng phải khá lớn.
Trước khi bước chân vào kinh doanh, Duy Dân cũng là người đi sưu tầm một vài loại lan như giả hạc, phi điệp… và đặc biệt yêu thích với các loại lan đột biến gen. Dân không chọn hướng sản xuất đại trà để xuất ra thị trường như nhiều vườn lan rừng khác mà tìm mua, gây giống những loại lan đột biến bởi chúng có giá trị kinh tế cao.
“Điều làm cho các loại lan đột biến có giá trị chính là vì màu sắc đẹp, lạ, cấu trúc bông chặt chẽ, hương thơm nồng nàn… Những loại này thường bán theo cm nên giá trị của những loại này có thể lên đến vài trăm triệu, thậm chí là hàng tỉ đồng. Và chỉ có những người am hiểu thì mới nhận ra được giá trị của chúng”, Duy Dân giải thích.
Bằng việc chụp ảnh, live stream (phát video trực tiếp) trên facebook, mỗi ngày vườn của Dân nhận được trên dưới 100 đơn hàng sỉ, lẻ khác nhau. Theo đó, mỗi tháng cũng thu về lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. |
Hiện tại, vườn lan ở Phú Hội của Dân chủ yếu trồng các loại giả hạc. Ngoài việc cung cấp giò lan thành phẩm, Dân cũng đang phát triển theo hướng ươm ki, bán giống cho những người chơi lan. Dân dùng căn nhà của chính mình làm nơi trưng bày các chậu lan đẹp để khách hàng đến tìm hiểu, tham quan. Còn lại chủ yếu sử dụng facebook và website để bán hàng.
Dân chia sẻ rằng, thị trường của Dân bây giờ không bị giới hạn và có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước bởi sự chia sẻ của facebook cũng như những người có cùng đam mê. Đây cũng là nơi giao lưu, chia sẻ các kiến thức giúp Dân nâng cao hiểu biết của mình.
“Bán hàng qua facebook, nói dễ thì dễ nhưng cái khó nhất là mình phải tạo được lòng tin của khách hàng. Nhưng một khi đã có uy tín thì không còn phải lo lắng nhiều về chuyện giá cả, nhất là những lần mình bán theo hình thức đấu giá. Người chơi lan là những người có điều kiện về mặt kinh tế, vì vậy một khi khách hàng đã biết được giá trị của sản phẩm thì họ cũng sẽ chính là những người quyết định giá của chúng. Bên cạnh đó thì mình cũng sẽ chủ động thời gian mua bán hơn nhiều”, Duy Dân chia sẻ.
Trong tương lai, Duy Dân dự định phát triển, mở rộng vườn theo hướng kết hợp tham quan du lịch bởi ở Đức Trọng và khu vực lân cận chưa có. Đây sẽ là sân chơi cho những người có cùng đam mê đến giao lưu, học hỏi và là cơ hội để từ đó tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng. |