Dân Việt

Chương trình OCOP Đăk Nông: Nhiều sản phẩm lợi thế cạnh tranh cao

Đồng Nguyên 03/04/2019 12:21 GMT+7
Ông Lê Trọng Yên – Giám đốc Sở NN&PTNT Đăk Nông cho biết, địa phương được đánh giá là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng để triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm-OCOP dựa trên điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường.

Từ nay đến năm 2020, Đăk Nông sẽ tập trung vào đăng ký, phát triển 15 sản phẩm thuộc nhiều nhóm khác nhau. Đó là lúa gạo (xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô), hạt mắc ca (huyện Tuy Đức), tiêu sạch (huyện Đăk Song, huyện Đăk R’lấp, thị xã Gia Nghĩa), chanh dây (thị xã Gia Nghĩa, huyện Đăk R’lấp), măng cụt, sầu riêng (thị xã Gia Nghĩa), bơ (huyện Krông Nô, Gia Nghĩa, Đăk Mil, Đăk Song)...

Có thể kể thêm đó là cà phê Đăk Đam, cà phê Hoàng Gia Phú (huyện Đăk Mil), chè xanh đóng gói (Đăk Glong), thảo dược từ cây đinh lăng, gấc (Cư Jút, Đăk Glong, Krông Nô, Tuy Đức), tranh thêu con rồng và bông hoa của hợp tác xã đan thêu Thanh Hằng (Krông Nô). Đặc biệt, có các sản phẩm dịch vụ du lịch văn hóa tại bon ĐăK R’moan (Gia Nghĩa) và buôn Buôr (Cư Jút), Công viên địa chất Đăk Nông.

img

 Chanh dây Đăk R’lấp là một trong những sản phẩm OCOP có lợi thế cạnh tranh của Đăk Nông. ảnh tư liệu

Cũng theo ông Lê Trọng Yên, điều chắc chắn là nông sản của OCOP khi ra thị trường sẽ có giá trị cao hơn bởi được đầu tư trong vùng nguyên liệu đạt chuẩn, sản xuất, chế biến theo công nghệ kỹ thuật cao, đồng đều về mẫu mã, chủng loại. Tuy vậy, vấn đề phát triển bền vững sản phẩm nông sản chủ lực gắn với OCOP vẫn còn nhiều việc phải làm, do vậy tỉnh sẽ tập trung vào xây dựng và phát triển nguồn nguyên liệu ổn định. Làm được điều này sẽ khắc phục tình trạng cung vượt cầu, khiến giá cả đi xuống hoặc ngược lại như lâu nay.

Bên cạnh đó, việc xúc tiến thương mại để tìm các đầu mối tiêu thụ lớn, kết nối thành chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ cũng được tỉnh xúc tiến mạnh mẽ hơn, đi đến hiệu quả cuối cùng. Theo đó, cơ quan nhà nước sẽ định hướng, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa việc đánh giá thị trường, xây dựng chiến lược quảng bá, bảo hộ nhãn hiệu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể gắn với phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu…

“Thành công của OCOP cũng đồng nghĩa với việc người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện hiệu quả các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là động lực cho tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn mà Chính phủ đã phát động” - ông Yên cho biết.