Hỗ trợ hết mình
Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm phát triển nhanh và trở thành ngành kinh tế nông nghiệp mũi nhọn của TP.HCM nói chung, xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) nói riêng. Tuy nhiên, nhìn chung phần lớn hội viên nông dân đang nuôi tôm nước lợ bằng những mô hình nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, lợi nhuận thấp, rủi ro cao…
Anh Trần Quang Vinh (phải) đưa lãnh đạo Hội Nông dân TP.HCM đi xem mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn xã Hiệp Phước. Ảnh: T.Đ
Ông Võ Phương Tùng - cán bộ Trạm thủy sản An Nghĩa nhận định, nghề nuôi tôm của bà con nông dân trên địa bàn xã Hiệp Phước đã dần định hình theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Đây là việc đáng mừng, bởi thành phố đang khuyến khích phát triển ngành nuôi tôm theo hướng nông nghiệp đô thị. |
“Chính vì thế, từ năm 2015, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp, Hội ND xã Hiệp Phước xác định cần phải hỗ trợ nông dân trên địa bàn chuyển dần sang phát triển nuôi tôm theo hướng công nghệ cao” - anh Vinh cho biết.
Theo anh Vinh, từ đầu mỗi năm, Hội ND xã cho tiến hành khảo sát nhu cầu nông dân nuôi tôm trên địa bàn, như: vốn, tập huấn kiến thức, tham quan mô hình… Từ nhu cầu này, anh Vinh đề xuất Chi cục thủy sản thành phố mở lớp tập huấn về quy trình nuôi tôm nước lợ đảm bảo an toàn thực phẩm cho bà con.
“Hội ND xã còn chọn những nông dân nuôi tôm công nghệ cao thành công để đưa đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi tôm để làm nòng cốt, truyền đạt lại kiến thức nuôi tôm cho những người đi sau. Tính ra, mỗi năm nông dân nuôi tôm trên địa bàn xã tổ chức đi tham quan mô hình hơn chục lần” - anh Vinh bộc bạch.
Không chỉ tìm cách giúp nông dân kỹ thuật, kiến thức nuôi tôm, anh Vinh còn liên hệ mua tôm giống chất lượng tốt để bán hỗ trợ hoặc phát miễn phí cho nông dân nuôi tôm. Từ năm 2018 đến nay đã có 9 hộ nuôi tôm nhận hỗ trợ tôm giống. Tiền mua tôm giống do anh vận động các thành viên câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Phước, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao yêu cầu nông dân phải có vốn lớn. Trung bình chi phí đầu tư theo mô hình này khoảng 1,8 tỷ đồng/ha. Ngược lại, tỷ lệ thành công khá cao, năng suất trung bình đạt 40 tấn/ha. Nắm được nhu cầu “khát” vốn của nông dân, anh vận động các nguồn vốn hỗ trợ nông dân. Chỉ riêng Quỹ hỗ trợ nông dân của xã đã cho 60 hộ nông dân nuôi tôm vay hơn 4 tỷ đồng.
Lo đầu ra…
Theo UBND xã Hiệp Phước, hiện xã có 234ha ao nuôi tôm, trong đó hơn 50ha ao nuôi tôm công nghệ cao. Riêng HTX Nuôi tôm công nghệ cao Hiệp Thành có 12 thành viên (8 thành viên đã có chứng nhận nuôi tôm VietGAP) với gần 70 ao nuôi tôm, bình quân 3.000m2/ao, sản lượng trung bình 15 tấn/ha/ao. Ngoài HTX Nuôi tôm Hiệp Thành, xã Hiệp Phước còn có 2 tổ hợp tác nuôi tôm với gần 30 thành viên.
Ông Trần Văn Mùa - Giám đốc HTX Nuôi tôm Hiệp Thành (xã Hiệp Phước) cho biết, chính từ sự năng nổ của Hội ND xã, nhất là sự nhiệt tình hỗ trợ của anh Vinh nên nghề nuôi tôm ở xã Hiệp Phước đang phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao. Tuy nhiên, anh Vinh cho rằng, điều đáng lo nhất giờ đây không còn là kiến thức nuôi tôm của nông dân mà là đầu ra cho con tôm.
Ông Võ Phương Tùng - cán bộ Trạm thủy sản An Nghĩa (Chi cục Thủy sản TP.HCM) nhận xét, cùng với những nỗ lực xây dựng ngành nuôi tôm công nghệ cao, Hội ND xã Hiệp Phước, cũng như anh Vinh đã từng bước hỗ trợ nông dân xây dựng vùng nuôi tôm trên địa bàn xã theo hướng công nghệ cao.
Theo ông Tùng, nếu Hội ND xã giải quyết được đầu ra cho con tôm, trước mắt đời sống kinh tế của bà con nông dân sẽ phát triển mạnh, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cũng sẽ khởi sắc hơn.