Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện nay các sản phẩm trên thị trường đang cạnh tranh gay gắt, do đó việc chỉ dẫn địa lý sản phẩm tại tỉnh Bình Phước nếu không gắn với thương hiệu sẽ không làm được. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đang có sự chuyển biến, tỷ trọng nền công nghiệp tăng và ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu lại buổi họp. Ảnh: Bắc Hà.
Đáng chú ý, năm 2018 nguồn thu ngân sách hơn 8.000 tỷ đồng và không còn phụ thuộc vào cao su. Trong năm 2018, tỉnh Bình Phước đã vượt lên mức thu ngân sách của trung bình cả nước, thu nhập cũng cải thiện. Các chỉ số trong nhiều lĩnh vực đã đi đúng hướng và đạt được nhiều thành tích. Tỉnh Bình Phước cần phát huy lợi thế về các khu kinh tế cửa khẩu, cây công nghiệp lâu năm, ngành công nghiệp chế biến và cụ thể phát triển công nghiệp phụ trợ như dệt may, da giày ...sẽ mang lại sự phát triển nhưng phải trên nền tảng chấp hành nghiêm túc pháp luật môi trường.
Hạt điều là một trong những mặt hàng đang được các DN đầu tư phát triển mạnh tại Bình Phước
“Tỉnh Bình Phước cần quan tâm đến chỉ số năng lực cạnh tranh vì xét về tiềm năng và mục tiêu là chưa đạt. Tỉnh Bình Phước cần phối hợp với Bộ Công thương để xây dựng chương trình hợp tác để thúc đẩy hoạt động thương mại đầu tư, thu hút những nguồn lực đầu tư, nâng cao cạnh tranh chất lượng sản phẩm”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước, trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Phước đạt khá, tăng 7,63%, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ. Tổng thu ngân sách đạt 8.279 tỷ đồng, thu hút đầu tư trong nước 187 dự án với số vốn 17.859 tỷ đồng, thu hút đầu tư vốn nước ngoài 34 dự án với số vốn đăng ký 459,5 triệu USD và nhiều dự án hoàn thành trong năm 2019...