Dân Việt

Cân nhắc loại bỏ thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate

Khánh Nguyên 04/04/2019 13:05 GMT+7
Thông tin phiên tòa thứ hai tại Mỹ vừa có phán quyết hoạt chất Glyphosate có liên quan đến bệnh ung thư hạch của một nông dân Mỹ lại làm dấy lên những lo ngại về việc sử dụng thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate. Cho đến thời điểm này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) vẫn đang chuẩn bị những bước đi thận trọng, cần thiết trước khi xem xét có nên loại bỏ hoạt chất này ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được phép sử dụng hay không.

Chưa ký hợp đồng nhập khẩu mới

Ngay sau khi có phán quyết của Tòa án Mỹ, Cục BVTV đã có Công văn số 682/BVTV-QLT yêu cầu các tổ chức, cá nhân báo cáo về tình hình buôn bán, sản xuất thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate, một động thái được cho là cần thiết.

Theo công văn này, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và môi trường, hệ sinh thái theo đúng quy định của pháp luật về quản lý thuốc BVTV và có căn cứ báo cáo Bộ NNPTNT đề xuất các biện pháp hiệu quả để quản lý thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate, Cục BVTV đề nghị các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV báo cáo chi tiết về tình hình sản xuất, lưu trữ trong kho hoặc lưu thông, buôn bán trên thị trường đối với thuốc BVTV có chứa hoạt chất Glyphosate của tổ chức cá nhân đứng tên đăng ký; báo cáo tình hình nhập khẩu theo các hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài.

img

Còn nhiều tranh cãi trong việc sử dụng thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate. ảnh tư liệu

Cục BVTV cũng yêu cầu các doanh nghiệp tạm thời chưa thực hiện ký kết các hợp đồng nhập khẩu, sản xuất với đối tác nước ngoài cho đến khi có quyết định quản lý hoạt chất trên tại Việt Nam.

Được sử dụng tại Việt Nam từ năm 1994, theo thống kê, lượng thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate rải xuống ruộng đồng lên đến 30.000 tấn/năm, chiếm 30% lượng thuốc BVTV nói chung và chiếm tới 60% trong nhóm thuốc trừ cỏ. Điều đáng nói là, tình trạng lạm dụng thuốc trừ cỏ tại nhiều vùng sản xuất đang trở nên khá phổ biến, để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe người sản xuất và môi trường.

Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV, đối với việc quản lý thuốc BVTV nói chung và nhóm thuốc trừ cỏ, trong đó có hoạt chất Glyphosate, lâu nay, Việt Nam phải thực hiện đúng theo quy định của luật pháp cũng như thông lệ quốc tế.

Theo đó, trên cơ sở Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật có hiệu lực từ 1.1.2015, Cục BVTV đã tiến hành rà soát lại toàn bộ danh mục thuốc BVTV và xác định các hoạt chất có đầy đủ bằng chứng về mặt khoa học gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường… để tiến hành loại bỏ khỏi danh mục được phép sử dụng.

Còn nhiều tranh cãi

Thực tế, cho đến thời điểm này vẫn đang có nhiều tranh cãi về việc sử dụng thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate.

Trước phán quyết của tòa án Mỹ, năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã từng gây rúng động 

Đến nay, Cục BVTV đã loại bỏ 6 hoạt chất ra khỏi danh mục với số lượng tên thương phẩm lên đến 1.024. Cục BVTV cũng hoàn chỉnh 6 báo cáo kỹ thuật về 4 hoạt chất và 3 hoạt chất khác cũng đang được xem xét, trong đó có Glyphosate để có đầy đủ bằng chứng báo cáo Bộ NNPTNT cân nhắc, loại bỏ ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. 

khi đưa ra kết luận Glyphosate có thể có khả năng gây ung thư ở người. Sau đó, chính IARC cũng thừa nhận phân loại của họ có thể dẫn đến những hiểu nhầm. Cụ thể, đánh giá của IARC chỉ cho thấy mối nguy hại tiềm tàng (hazard) chứ không đánh giá mức độ rủi ro của mối nguy hại tiềm tàng đó trong những tình huống cụ thể.

Trái ngược với kết luận của IARC, 3 cơ quan khác thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bao gồm: Cơ quan Đánh giá chủ lực của WHO, Cơ quan Hướng dẫn về Chất lượng Nước uống và Cơ quan Quốc tế về An toàn Hóa chất đều thống nhất rằng Glyphosate không phải chất gây ung thư và không có rủi ro đối với sức khỏe con người. Sau IARC, Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu cũng đưa ra kết luận rằng, Glyphosate “không có khả năng gây ung thư cho con người”.

Gần đây nhất, vào tháng 5.2018, kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Ung thư quốc gia Mỹ kéo dài qua rất nhiều năm trên số lượng lớn hơn 50.000 đối tượng đã từng phơi nhiễm với Glyphosate đã kết luận không tìm thấy mối liên hệ có ý nghĩa thống kê giữa việc sử dụng glyphosate và căn bệnh ung thư lympho không Hodgkin (NHL).

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng đã tranh luận gay gắt trong hai năm trước khi quyết định gia hạn giấy phép cho Glyphosate thêm 5 năm vào năm 2017.

Cơ quan điều hành của EU, Ủy ban châu Âu, dẫn chứng việc hai cơ quan khoa học là Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) và Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECA) phê duyệt Glyphosate và không phân loại chất đó là chất gây ung thư. Tuy nhiên, đánh giá của EFSA bị nghi ngờ sau khi truyền thông đưa tin rằng báo cáo của họ đã sao chép các phân tích trong một nghiên cứu của Monsanto.

Dù Argentina không có quy định về Glyphosate trên toàn quốc, nhưng lãnh đạo địa phương ở các thị trấn và thành phố của quốc gia này đã thông qua các biện pháp hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ. Tháng 8.2018, một tòa án ở Brazil đình chỉ giấy phép các sản phẩm có chứa Glyphosate, vốn được sử dụng rộng rãi tại cường quốc nông nghiệp Mỹ Latin này.

Chính phủ Sri Lanka từng cấm nhập khẩu Glyphosate vào tháng 10.2015 do lo ngại hóa chất gây ra bệnh thận mãn tính. Sau khi các tổ chức nông nghiệp chỉ ra rằng không nghiên cứu nào cho thấy có liên quan giữa bệnh và chất này, lệnh cấm nhập khẩu được dỡ bỏ vào tháng 7.2018. Dù vậy, việc sử dụng nó vẫn bị hạn chế đối với các đồn điền chè và cao su.