TISCO chồng chất khó khăn
Liên quan đến Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 do Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) làm chủ đầu tư, nhiều chuyên gia cho rằng việc xử lý các vấn đề tồn đọng, tháo gỡ khó khăn cho nhà máy đang khá chậm chạp so với yêu cầu.
Dự án này được triển khai từ năm 2005 với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 3.843 tỉ đồng. Do chậm tiến độ nên tháng 4.2013, chủ đầu tư đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 8.104 tỉ đồng, tăng 4.261 tỉ đồng.
Trao đổi với phóng viên, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng việc TISCO điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 2 là phù hợp với bối cảnh kinh tế lúc đó - thời điểm Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát cao, tỷ giá, giá nguyên liệu tăng mạnh.
“Chủ trương tăng vốn là phù hợp, nhưng có thể khâu tổ chức thực hiện không tốt, trách nhiệm của những người được giao đại diện phần vốn Nhà nước tại đó có thể làm không đúng, không hết trách nhiệm nên mới dẫn đến tình trạng như ngày hôm nay”, ông Kiên nói.
Đồng tình với lý giải này, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói thêm:“Không riêng Gang thép Thái Nguyên mà một số doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng như vậy. Nên chủ trương chung của nhà nước lúc đó là cho điều chỉnh tổng mức đầu tư và tính toán thế nào cho có lợi nhất”.
Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) cho biết, việc triển khai dự án gang thép giai đoạn 2 bị chậm tiến độ kéo dài đã gây dư luận không tốt trong xã hội đối với dự án, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của công ty.
Mặt khác, lãnh đạo công ty này chia sẻ vì dự án chưa có hướng giải quyết nên các ngân hàng đã giảm hạn mức cho vay và dừng cho vay. Nghiêm trọng hơn, Ngân hàng Vietinbank đã bán khoản nợ vay đầu tư Dự án giai đoạn 2 cho VAMC, đồng thời chuyển khoản vay của TISCO sang nợ xấu. Do vậy, các ngân hàng thương mại sẽ không thể tiếp tục cho TISCO vay vốn, việc này có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.
Lối ra nào cho gang thép Thái Nguyên?
Trả lời câu hỏi này, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương phụ trách dự án này giai đoạn đó cho biết là rất tiếc vì hiện hơn 90% thiết bị đã nhập về, việc này càng kéo dài sẽ càng lãng phí.
Còn theo đại diện doanh nghiệp việc tháo gỡ khó khăn cho giai đoạn 2 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của công ty.
“Nhiều người đánh đồng giai đoạn 2 với toàn bộ Gang thép Thái Nguyên là không đúng. Dự án Giai đoạn 2 đang chậm tiến độ chỉ là một bộ phận của Gang thép Thái Nguyên. Trong khi đó, giai đoạn 1 của nhà máy vẫn hoạt động tốt. 4 năm trở lại đây có giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 36 nghìn tỉ đồng, thép cán hơn 3 triệu tấn, phôi thép hơn 1 triệu tấn, gang hơn 700 nghìn tấn…Tổng doanh thu là 37.500 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.300 tỉ đồng…”, vị này nói.
Doanh nghiệp này đề xuất các ngân hàng thương mại tiếp tục tạo điều cho TISCO vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh hiện tại, ổn định cuộc sống của hàng nghìn công nhân, cùng với đó đề nghị Chính phủ sớm có cơ chế đặc thù đề tái khởi động dự án giai đoạn 2 sớm đi vào sản xuất. Giai đoạn 2 là dự án mang tính “sống còn”, nếu hoàn thành sớm thì mỗi năm có thể mang lại cho TISCO 700 – 1.000 tỉ đồng. Nếu dự án giai đoạn 2 càng chậm trễ thì càng mất đi thời cơ.
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng cần nhanh chóng đưa nhà máy đi vào hoạt động với chi phí hợp lý, đồng thời, Tổng Công ty thép Việt Nam cũng cần phải có trách nhiệm trong vấn đề này để tránh mất vốn nhà nước tại đây.
Còn ông Phạm Chí Cường cũng nhấn mạnh, nếu cứ kéo dài tình trạng dự án thì doanh nghiệp này sẽ phá sản, rồi liên đới đến Tổng công ty Thép Việt Nam vì công ty này cũng có vốn góp ở đây. Tuy nhiên, ông Cường lạc quan cho rằng “hiện trạng của TISCO không đến mức bi quan như nhận định chỉ là…chỉ còn là đống sắt vụn”.
Theo ông Cường, công nghệ và quy mô của dự án TISCO giai đoạn 2 vẫn là công nghệ luyện kim truyền thống mà thế giới đang áp dụng (lò cao - lò thổi oxy) chứ không phải lạc hậu. 70% các nhà máy trên thế giới vẫn dùng công nghệ này. Thép của TISCO vẫn là sản phẩm có thương hiệu lớn, hơn nữa, TISCO giai đoạn 1 vẫn làm ăn có lãi, dù không lớn.
“Mấy năm đắp chiếu, cỏ mọc lút chỉ có thể tác động và han gỉ bên ngoài đối với phần cơ, phần điện vẫn ở trong kho. Linh hồn của nhà máy là phần điều khiển với các thiết bị tự động, hiện đại thì do chúng ta chưa có tiền để trả cho đối tác nhập khẩu nên vẫn chưa được chuyển về tới nhà máy”,ông Cường nói.
Trước mắt, ông Cường cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được tiếp tục cho TISCO vay vốn lưu động để duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, cuộc sống cho gần 5.000 công nhân.
Đối với giai đoạn 2, cần xem xét khả năng giảm lãi suất vay trong thời kỳ xây dựng và ưu tiên kéo dài thêm thời gian trả nợ để giúp TISCO vượt qua khó khăn.
Ông Lê Dương Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương: “Thực tế cho thấy thời điểm đó việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là lựa chọn hợp lý nhất, trên cơ sở đồng thuận của các cơ quan hữu quan, Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho tăng vốn, sau đó chủ đầu tư tự quyết định.Hiện nay Gang thép Thái Nguyên vẫn đang trong quá trình đầu tư nên tôi cho rằng xếp vào nhóm 12 “đại dự án thua lỗ của ngành công nghiệp”, như cách nói phổ biến hiện nay, là chưa chuẩn xác”. |