Dân Việt

Tây Ninh: Vì sao thu hút hơn 6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài?

Nguyên Vỹ 05/04/2019 13:04 GMT+7
Sau 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến nay Tây Ninh đã thu hút hơn 6 tỷ USD vốn FDI.

Tại buổi tổng kết 25 năm thu hút đầu tư FDI, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, đây là con số có ý nghĩa to lớn đối với 1 tỉnh thuần nông miền biên giới.

img

Tây Ninh đã thu hút được hơn 6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Đình Chung.

Trước đó, tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 291 dự án FDI với vốn đăng ký hơn 5,782 tỷ USD, đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại buổi tổng kết sáng ngày 5.4, Tây Ninh tiếp tục trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án nữa.

Theo UBND tỉnh, khu vực kinh tế có vốn FDI chiếm vị trí quan trọng và có tác động lớn tới sự phát triển kinh tế của Tây Ninh. 25 năm thu hút FDI là một chặng đường đánh dấu nỗ lực đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế của địa phương này. Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm kinh tế gần như không có gì đến nay tăng trưởng công nghiệp -dịch vụ trong GRDP hiện nay chiếm 75%.

img

UBND tỉnh Tây Ninh trao giấy chứng nhận cho các dự án đầu tư nước ngoài. Ảnh: Nguyên Vỹ

Năm 1985, tổng thu ngân sách của tỉnh chỉ khoảng 3 tỷ đồng thì trong năm 2018, con số này đạt 7.663 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp FDI đóng góp 727,95 tỷ đồng.

Từ một địa phương không có mặt hàng nào xuất khẩu đến nay kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh năm 2018 đạt 4,2 tỷ USD (doanh nghiệp FDI đóng góp mức xấp xỉ là 3,7 tỉ USD).

Ông Ngọc cho rằng đây là thành tựu quan trọng thể hiện sự nổ lực lãnh đạo địa phương, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân trong đó có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp FDI.

Cũng trong 25 năm qua, kể từ dự án FDI đầu tiên vào năm 1993, trách nhiệm đồng hành, đổi mới đã giúp môi trường đầu tư tỉnh Tây Ninh được cải thiện đáng kể.

img

Ông Ngọc đánh giá 25 năm thu hút FDI là chặng đường đầy nỗ lực của tỉnh Tây Ninh. Ảnh Nguyên Vỹ

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2018 của tỉnh tăng 5 bậc so với năm 2017, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại, kể cả những thua thiệt trong thu hút FDI thời gian qua.

UBND tỉnh nhìn nhận do vị trí địa lý không thuận lợi, cách xa trung tâm TP.HCM nên chưa thu hút được những dự án có công nghệ kỹ thuật cao. Hầu hết các dự án có vốn đầu tư lớn thuộc lĩnh vực sản xuất sợi, dệt vải cần phải có phương án kiểm soát nước thải nghiêm ngặt.

Tại các khu, cụm công nghiệp vẫn còn một số dự án chưa tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường; nhất là các dự án hoạt động ngoài các khu, cụm công nghiệp nên việc kiểm tra, xử lý còn nhiều khó khăn.

img

Việc thu hút FDI vẫn còn những hạn chế nhất định khi chưa tận dụng hết lợi thế địa phương như vị trí địa lý, giao thông... Ảnh Nguyên Vỹ

Đa số doanh nghiệp FDI vẫn đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực; chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư trong các lĩnh vực. Việc chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng và chưa có sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước.

Thee ông Nguyễn Bá Cường - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, tuy không phải là địa bàn lớn về đầu tư nước ngoài, Tây Ninh cũng luôn nằm trong nhóm các địa phương khá về đầu tư FDI. Nhất là trong giai đoạn 2015 đến nay, tỉnh này đã lọt vào top 10 tỉnh, thành thu hút FDI nhiều nhất nước.

Tính riêng trong năm 2018, đầu tư FDI  của Tây Ninh đạt hơn 836 triệu USD, đứng vị trí thứ 15/63 tỉnh thành cả nước về thu hút FDI.

img

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài gợi ý Tây Ninh tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như chế biến nông sản. Ảnh Nguyên Vỹ

Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng vị trí kết nối chiến lược với ASEAN. Đây là điều kiện để tỉnh này hấp thu các nguồn vốn FDI, đặc biệt là nguồn vốn lan tỏa từ TP.HCM.

“Thời gian tới, Tây Ninh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính đồng thời triệt để phát huy nội lực và lợi thế so sánh của mình vào những lĩnh vực có thế mạnh như chế biến nông lâm sản, thực phẩm và du lịch”, Phó Cục trưởng Nguyễn Bá Cường gợi ý.