Dân Việt

Bóng tối trong thang máy và bóng tối trong mỗi người

Phan Đăng 06/04/2019 08:20 GMT+7
Từ vụ việc của nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh, chúng ta nên đặt câu hỏi: Điều gì thực sự đã diễn ra trong thang máy, khi người đàn ông lao về phía một em bé gái chỉ bằng tuổi con cháu mình? Đấy chỉ là biểu hiện "nựng" em nhỏ như người này giải thích, hay là một hành vi xâm hại trẻ em như phần đông dư luận kết luận?

Từ một người xa lạ

Ông Nguyễn Hữu Linh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát TP Đà Nẵng - người đàn ông trong thang máy vốn xa lạ với tôi, xa lạ với bạn, và xa lạ với cộng đồng mạng nói chung trước khi xảy ra sự việc trong thang máy tòa nhà Galaxy 9 (TP.HCM).

img

Ông Nguyễn Hữu Linh - nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng. (Ảnh: I.T)

Chính vì xa lạ, không có bất cứ quan hệ gần gũi nào để xác định nhân thân, nhân tính và nhân cách, nên khi nghe phản ánh về việc "đấy là một người đàn ông hiền lành", "đấy là một người đàn ông đàng hoàng"…, phản ứng tức thì của chúng ta là: Thật khó tin. Chúng ta không tin một người hiền lành, đàng hoàng lại có thể thực hiện một hành vi đáng bị lên án như vậy.

Nhưng từ câu chuyện về một người xa lạ trong thang máy, chúng ta chợt rùng mình đặt cho chính mình câu hỏi: Có bao giờ người đàn ông trong thang máy, thực hiện một hành vi "nựng" trẻ khó coi lại không phải là một người xa lạ, mà là một người rất gần gũi với chúng ta? Người ấy là đồng nghiệp của ta, là hàng xóm của ta, là chính người trong gia đình ta? Và với mối quan hệ gần gũi nhiều năm, chúng ta xác định một cách chắc chắn rằng người ấy quả nhiên là một người hiền lành, tử tế.

Liệu có trường hợp nào như thế hay không?

Có! Nó là điều vẫn có thể xảy ra. Bởi trong một "cơn điên" nào đó, khi miền vô thức của chúng ta cựa quậy, một ý nghĩ - một quyết định - một hành động chợt bùng lên, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một con người khác xa so với con người vốn có của mình.

Sigmund Freud - một nhà phân tâm học người Áo đã nói rất nhiều đến cái vùng vô thức, nơi canh giữ của những ý tưởng điên rồ, không thể nào giải thích bằng lý trí. Hẳn nhiên có cả những sự điên rồ tích cực lẫn điên rồ tiêu cực, điên rồ tốt đẹp lẫn điên rồ xấu xa.

Nhưng một khi vô thức đã vùng lên và phát lệnh thì tích cực hay tiêu cực, tốt đẹp hay xấu xa nằm hoàn toàn ngoài ý muốn của chúng ta. Và Freud nhấn mạnh, vùng vô thức này không chỉ có trong những "con bệnh" tâm lý, mà có ở con người bình thường nói chung.

Nếu cứ theo lý thuyết "vô thức" của Freud mà suy xét thì một người hiền lành, tử tế hẳn nhiên vẫn có thể thực hiện một hành vi đồi bại. Và như thế, bạn cũng đừng sốc nếu một ngày nào đó, trong một cái thang máy ở một khu chung cư nào đó, đối tượng "nựng" trẻ nhỏ như trong câu chuyện mà chúng ta đang bàn, không phải là một người xa lạ, mà có thể là một người rất gần gũi với chúng ta, một người mà chúng ta biết chắc là rất hiền lành.

Ở đây, phải nói rõ là chúng ta không lấy lý thuyết của Freud để bênh vực cho bất cứ đối tượng nào. Bởi khi cơ quan điều tra có câu trả lời cuối cùng, chắc chắn kẻ có tội (nếu đúng là có tội) sẽ phải chịu tội.

img

Nhà riêng của ông Nguyễn Hữu Linh tại Đà Nẵng bị những người lạ mặt xịt sơn lên cổng chữ "Ấ dâm" sau sự việc xảy ra trong thanh máy ở chung cư Galaxy 9, TP.HCM. (Ảnh: I.T)

Nhưng bên cạnh câu chuyện pháp luật với nhu cầu thay đổi một số hình thức xử phạt, răn đe nào đó thì vấn đề cần bàn tiếp theo là phải làm gì để những khoảnh khắc "vô thức" tiêu cực trong xã hội chúng ta là cực tiểu?

Đến những vụ án lạ

Không lâu sau khi câu chuyện người đàn ông "nựng" một cháu bé trong thang máy diễn ra, báo chí lại phanh phui một câu chuyện rùng rợn khác: Một người đàn ông bị tố cáo đã lạm dụng tình dục chính con gái mình, sau nhiều năm gà trống nuôi con. Điểm giống nhau giữa hai người đàn ông này, đó là cả hai đều có ăn có học, đều hiểu biết luật pháp, và đều được những người xung quanh đánh giá là có “tư cách đàng hoàng”.

Cũng giống như câu chuyện "nựng" cháu bé trong thang máy, ở câu chuyện thứ hai, mọi thứ mới chỉ dừng lại ở dạng "tố cáo" của người trong cuộc, và cơ quan điều tra cũng đang tiến hành điều tra, gắng đưa ra câu trả lời chính xác nhất. Nếu câu trả lời của cơ quan điều tra là "đúng”, chúng ta có bất ngờ không?

img

Kỹ năng giúp trẻ tránh bị xâm hại khi đi một mình trong thang máy. (Ảnh: TTXVN)

Hẳn chúng ta còn nhớ một vụ án rúng động cách đây vài năm, khi một thanh niên trí thức, có vẻ ngoài đẹp trai nho nhã rốt cuộc lại cầm dao sát hại, rồi chặt đầu người yêu cũ của mình. Tôi đã nhiều lần nói chuyện với một cán bộ điều tra, cũng là một chuyên gia tội phạm học gắn liền với vụ án kinh sợ này.

Và lần nào cũng thế, mỗi khi nhắc lại vụ án, vị cán bộ điều tra lại nhắc đến một chi tiết: "Cậu ta khai, trong khoảnh khắc cầm dao sát hại người yêu cũ, cậu ấy không phải là mình nữa".

Nếu giải thích động cơ giết người là để chiếm đoạt tài sản thì quá đơn giản, nhưng theo vị cán bộ điều tra, mọi thứ không đơn giản như vậy. Trước khi ra tay, cậu thanh niên chợt phát hiện ra những tin nhắn của cô gái với rất nhiều người đàn ông khác, và có vẻ điều này đã gọi ra một ẩn ức - một vùng vô thức bị dồn nén nào đó của cậu ta. Cậu ta không kiểm soát nổi mình.

Nếu chịu khó để ý các vụ án hình sự, chúng ta sẽ thấy số lượng những trí thức phạm tội có xu hường ngày một gia tăng. Trong đó có rất nhiều trí thức vốn là những con người điềm đạm, hiền lành, tử tế. Vậy thì tại sao họ lại mắc sai lầm?

Theo tôi, câu trả lời liên quan đâu đó tới những áp lực và những gương mặt của đời sống hiện đại hôm nay.

Khi cái "mặt nạ" rớt xuống

Xét trong dòng chảy lịch sử, con người hiện đại vốn dĩ đã chứa đựng một cấu trúc tâm lý phức tạp, rối rắm hơn nhiều so với con người trung đại, nhưng những áp lực của nhịp sống hiện đại, những cái mặt nạ mà con người hiện đại phải đeo vào mặt mình trong quá trình tồn tại - sống - và tiến thân lại khiến cho sự phức tạp, rối rắm kia càng tăng gấp bội. 

Có những điều vốn rất bất thường nhưng đã được coi là bình thường trong đời sống của con người hiện đại hôm nay, chẳng hạn như việc vẫn là một con người, nhưng ở công sở là một gương mặt khác, về nhà lại là một gương mặt khác.

Vẫn là một con người, nhưng trước khi về hưu là một gương mặt khác, sau khi về hưu lại là một gương mặt khác. Trước khi về hưu, người ta kín kẽ, cẩn trọng bao nhiêu thì sau khi về hưu người ta lại sôi nổi, bùng nổ bấy nhiêu.

Thậm chí sau khi về hưu, người ta còn có xu hướng phê phán kịch liệt những điều mà trước khi về hưu chính mình cũng không thể giải quyết thành công.

Chúng ta hiểu: Khi đi làm là lúc mà cái mặt nạ được đeo lên. Sau khi về hưu là lúc cái mặt nạ rơi xuống. Cũng như thế: Ở cơ quan là lúc cái mặt nạ được đeo lên, trở về nhà là lúc cái mặt nạ rơi xuống. Mà có vẻ như, trong xã hội hiện đại, với hàng loạt những quy luật vận động không giống ai, càng có năng khiếu "đeo mặt nạ", càng biết cách tô vẽ cho "mặt nạ", người ta càng dễ thành công (?)

Con số thống kê của Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia năm 2017 khiến chúng ta sửng sốt: 30% người Việt Nam hiện nay mắc các bệnh rối loạn tâm thần. Mà theo các bác sĩ chuyên khoa thì 30% là chưa đầy đủ. Chúng ta hiểu, 30% ấy là sản phẩm tất yếu của một xã hội có quá nhiều "áp lực" và quá nhiều "mặt nạ". Đấy chính là bóng tối của xã hội hiện đại.

Người ta không để ý rằng, thành công theo cách ấy sẽ dẫn mình tới một cuộc khủng hoảng tinh thần mà chính mình cũng không hề hay biết.

Hậu quả là trong một khoảnh khắc nào đó, giữa cái hành trình "đeo mặt nạ" lên và "hạ mặt nạ" xuống, chúng ta có thể thực hiện những hành vi điên rồ nhất, khủng khiếp nhất, man rợ nhất - những điều mà chúng ta từng nghĩ rằng không bao giờ có thể thuộc về mình.

Các nhà tâm lý học gọi đấy là khoảnh khắc phát nổ của vô thức, sau một quá trình mà ý thức bị dồn nén và ức chế cực điểm.

Bóng tối trong cái thang máy ở một chung cư TP.HCM hay bóng tối trong phòng một ông hiệu trưởng ở một trường nội trú tại Phú Thọ... có thể chỉ là những mảnh vỡ của một thứ bóng tối đang bao trùm xã hội hiện đại.

Với câu chuyện của nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ sớm kết luận và xử lý.

Luật pháp có thể cũng phải thay đổi, để từ đây bóng tối trong tất cả các thang máy nói chung sẽ bớt dần đi. Nhưng với bóng tối của một xã hội hiện đại, con người hiện đại, thì việc giải quyết nó liên quan trực tiếp đến mỗi người chúng ta.

Hãy tìm cách giảm áp lực cho mình, hãy tháo "mặt nạ" của mình xuống để chấp nhận một đời sống có thể là giản dị hơn, nhưng chắc chắn sẽ có một tinh thần lành mạnh, khoẻ khoắn hơn!