Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm
Trong tháng 3.2019, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 28.000 tấn với giá trị 219 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 3 tháng đầu năm 2019 ước đạt 76.000 tấn và 609 triệu USD, tăng 2,1% về khối lượng nhưng giảm 19,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 31,4%, 14,4% và 11,1% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.
Ngành điều đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T.L
Mọt cứng đốt hay mọt TG (Trogoderma granarium) là một loài bọ cánh cứng trong họ Dermestidae, có nguồn gốc từ Nam Á và là một trong 100 loài xâm hại mạnh nhất trên thế giới. Sự phá hoại của loài mọt này khó kiểm soát vì chúng có khả năng sống sót mà không có thức ăn trong thời gian dài, chúng ưa thích điều kiện khô, thực phẩm có độ ẩm thấp và khả năng kháng lại nhiều loại thuốc trừ sâu. |
Trong khi đó, khối lượng hạt điều nhập khẩu những tháng đầu năm cũng tương đối lớn, trong tháng 3.2019, lượng điều nhập khẩu ước đạt 92.000 tấn với giá trị 158 triệu USD, đưa tổng khối lượng hạt điều nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2019 đạt 224.000 tấn, trị giá 389 triệu USD, tăng 6,2% về khối lượng nhưng lại giảm 19,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Đây cũng là một nghịch lý của ngành điều đã tồn tại trong nhiều năm qua, khi nhiều vùng ở Việt Nam được đánh giá thuận lợi để phát triển vùng chuyên canh điều. Nhưng do thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên giá điều thô trong nước không cao, diện tích giảm. Tại Bình Phước, giá điều thô mua xô tháng 3.2019 giảm 2.000 đồng/kg, từ mức 39.000 đồng/kg xuống còn 37.000 đồng/kg. Dự báo, giá điều thô có thế tiếp tục giảm trong vài tháng tới, do áp lực xả kho của Tanzania (hiện đang ở mức 300.000 tấn).
Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của ngành điều không cao, trong khi thu nhập trồng điều không được cải thiện.
Mọt cứng đốt đe dọa
Không chỉ giá xuất khẩu giảm, việc xuất hiện loài mọt cứng đốt trong các lô hạt điều thô nhập khẩu cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chế biến của doanh nghiệp khi các lô hàng bị giữ tại cảng. Chính vì vậy, ngày 16.3, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) Phạm Văn Công đã gửi công văn đến Cục Bảo vệ thực vật và Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II liên quan đến việc có quan kiểm dịch thực vật yêu cầu tiến hành kiểm tra, lấy mẫu toàn bộ những lô hàng điều thô nhập khẩu có nguồn gốc từ châu Phi tại cảng, thay vì cho phép đưa về kho của doanh nghiệp như trước kia...
Theo VINACAS, quy định trên đã gây trở ngại và tổn thất cho các doanh nghiệp chế biến và nhập khẩu điều thô do phải tăng thêm thời gian và chi phí cho việc nhận hàng hóa, kiểm tra hàng hóa trong cảng. Đồng thời, các doanh nghiệp phải bố trí nhiều nhân lực giám sát tại cảng, gây ách tắc hàng hóa.
Trước tình hình ấy, VINACAS đề nghị áp dụng lại quy trình lấy mẫu như đã áp dụng đối với hạt điều thô nhập khẩu như trước, cho phép doanh nghiệp được kiểm tra, lấy mẫu tại kho của doanh nghiệp theo hình thức kiểm tra nhanh, áp dụng đối với mặt hàng hạt điều.
Nhưng, lực lượng kiểm dịch thực vật cũng có cái lý của họ. Trước công văn của VINACAS gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phản ánh việc hàng trăm container điều thô đang ách tắc ở cảng do quy định về kiểm dịch thực vật, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, nếu doanh nghiệp không kiểm soát tốt loài mọt cứng đốt thì hàng không thể về kho.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Họp báo thường kỳ quý I của Bộ NN&PTNT liên quan đến ách tắc lượng điều thô ở cảng, ông Hoàng Trung cho hay: Hàng năm, lượng hạt điều nhập khẩu để gia công, chế biến rất lớn. Từ năm 2013 đến nay, cơ quan kiểm dịch thực vật nhiều lần phát hiện các lô hàng điều nhập khẩu từ châu Phi bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật Việt Nam là mọt cứng đốt (Trogoderma granarium Everts). Đây là loại mọt nguy hiểm số một. Tất cả các nước đều đưa loại mọt này vào danh sách kiểm dịch và kiểm soát chặt chẽ".
“Chúng tôi cho phép doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều đến khai tại cảng, kiểm tra sơ bộ rồi đưa hàng về kho, nhưng khi phát hiện nguy cơ cao, phát hiện đối tượng kiểm dịch thì phải kiểm tra trước khi cho phép vào lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục phát hiện đối tượng sinh vật ngoại lai nguy hiểm này nên không thể cho doanh nghiệp đưa hàng về kho. Doanh nghiệp phải phối hợp với cơ quan kiểm dịch về việc này, bởi nếu để lọt loại mọt cứng đốt thì tương lai hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó. Bên cạnh đó, chi phí để xử lý loại mọt này rất lớn” - ông Trung nói thêm.
Trong thời gian tới, nếu trong quá trình kiểm tra kiểm soát, phối hợp với kiểm dịch nước bạn làm tốt, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo đưa hàng về kho tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.