14 năm trước đây, khi chúng ta mới bắt đầu tiến hành bình xét PCI (chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), nó từng bị xem là những điều xa lạ. Một số địa phương bị đứng ở nhóm cuối bảng thì tỏ ra “khó chịu” và thậm chí dè bỉu, cho rằng đánh giá kiểu của nước ngoài này chả hay ho gì.
Nhưng rồi, nhận thức phải là cả một quá trình. Chính những địa phương yếu kém khi bị các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đánh giá không tốt về bộ máy chính quyền, như bị chạm vào tự ái và đã lột xác khi có sự cầu thị thực sự. Tuy nhiên, việc lột xác ấy cũng có khi phải cả chục năm trường, thậm chí phải do một dàn lãnh đạo khác cầm trịch thì mới bứt phá lên được.
Công bố báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018.
Sau nhiều năm tiến hành, giờ thì hẳn rất nhiều người, nhiều địa phương đã có cách hiểu đúng về PCI. Nó chính là tiếng nói khách quan của khu vực kinh tế tư nhân, là cảm nhận và niềm tin của họ đối với môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, nơi họ mở doanh nghiệp làm ăn.
Người ta có thể xem nó là “hàn thử biểu” của cải cách, là “thước đo” nỗ lực của chính quyền, là thể chế ở cấp địa phương - một trong ba mũi đột phá cho tăng trưởng: Thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Tiếp đó, PCI đã được ghi vào Nghị quyết của Chính phủ, rồi trở thành chương trình hành động cho công cuộc cải cách ở cơ sở. PCI chỉ ra dư địa và lan toả những mô hình cải cách.
“PCI như ngọn hải đăng cho công cuộc cải cách ở các địa phương”, như ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI - phát biểu khi VCCI phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2018).
Nhân sự kiện này, tôi muốn đề cập đến việc Đảng, Nhà nước ta có nên lựa chọn những cán bộ lãnh đạo địa phương có năng lực thực sự thông qua PCI từ chính các địa phương làm tốt, được DNTN đánh giá cao hay không?
Theo tôi, chúng ta có thể tuyển lựa lực lượng cán bộ nguồn đã qua thực tiễn công tác và đã chứng tỏ ít nhiều thành công chính từ kênh này. Chúng ta rất cần coi đây cũng là một trong nhiều kênh để tìm ra những người có năng lực điều hành kinh tế ở cấp trung ương mỗi khi chuẩn bị cho một nhiệm kỳ công tác mới của Đảng, Quốc hội và Chính phủ...
Ban tổ chức trao kỷ niệm chương cho tỉnh Quảng Ninh có chỉ số PCI cao nhất năm 2018. Ảnh: TTXVN
Trong quá trình vượt lên chính mình, tôi còn nhớ trường hợp thành phố Hà Nội. Từ chỗ vài năm đầu (2005-2010) luôn nằm ở hạng trung bình và kém xa các tỉnh, thành phố có tiềm năng, Hà Nội cũng chính là địa phương mà tôi dẫn ra ở đầu bài viết này: Họ không khoái cách bình chọn nói trên và còn tự ái.
Vài năm qua, tư duy ấy đã khác và thật bất ngờ, sau 2 năm gần đây luôn đưa ra mức phấn đấu với từng điểm, từng tiêu chí rất cụ thể cho mỗi năm và khá sát sao, đến năm 2018, Hà Nội đã lọt vào top 10 tỉnh, thành có mức tiến bộ rất tốt.
Đây là một tín hiệu rất tích cực của Hà Nội, bởi lần đầu tiên Thủ đô của chúng ta với tư cách là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước đã lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và sự thông thoáng của môi trường kinh doanh.
Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Hà Nội có được từ trước đến nay. Nói như một bài viết mà tôi đọc được mới đây, thì nó đã đưa Hà Nội vượt khỏi nỗi ám ảnh “Hà Nội không vội được đâu” để tiến lên phía trước, là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế của cả nước và hướng tới một tầm nhìn mới, trở thành một thành phố có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong ASEAN thời gian tới.
Tôi nghĩ, đây là một thành công lớn mà lãnh đạo thành phố Hà Nội, ngay từ đầu năm 2016, ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, đã lên cả một kế hoạch cho từng sở, ban, ngành cùng phấn đấu. Nếu không có sự tỉ mỉ rốt ráo như vậy, thử hỏi làm sao họ có được vị trí tích cực như năm 2018 vừa công bố?
Cũng phải nói, có những địa phương trước đây từng đứng nhất nhì bảng xếp hạng như Lào Cai, Đà Nẵng..., nhưng do chủ quan, do thiếu sự rốt ráo của người đứng đầu (cũng có thể là do một dàn lãnh đạo mới thay đổi, chủ quan, ít quan tâm) nên đã bị tụt hạng ít nhiều.
Ngược lại, có những địa phương, điển hình như Quảng Ninh, sau dăm năm kiên trì đôn đốc quyết liệt, đã tiến rất vững chắc ở vị trí nhất bảng xếp hạng PCI trong 2 năm liền sau khi đứng nhì, thứ ba.
Cộng đồng DNTN cũng đánh giá cao ba tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Đồng Tháp, Long An, Bến Tre do đã tiếp tục có được sự tiến bộ vượt bậc...
Đồng thời cũng có một số địa phương khá đì đẹt trong bảng xếp hạng, mặc dù như thông tin mà tôi tìm hiểu, hằng năm sau khi PCI được công bố thì có khoảng hơn 40 tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức hội nghị để tìm ra "liệu pháp điều trị” sau khi đã “chẩn bệnh” từ hạn chế của mình, từ đó sẽ có những giải pháp để cải thiện thứ tự trong bảng xếp hạng cho các năm sau...
Vậy thì rõ ràng chúng ta có thể lựa chọn cán bộ nguồn cho trung ương trong nhiệm kỳ đại hội tới đây từ những địa phương như vừa nêu. Nó sẽ rất khách quan, khá chuẩn xác và quả là thú vị. Song nói vậy không có nghĩa những địa phương yếu kém trong bảng xếp hạng PCI thì tất cả lãnh đạo nơi đó sẽ không được trọng dụng. Họ vẫn có thể được đưa lên nếu như ở một mảng khác trong địa phương họ làm tốt, chẳng hạn như ở lĩnh vực chính trị, văn hoá, xã hội, luật pháp, an ninh, trật tự nếu họ nổi bật... Nhưng, một khi đã xét để chọn người lãnh đạo kinh tế và lãnh đạo chung, thì nên lựa chọn nhân sự từ lĩnh vực như tôi đề cập, không nên chọn người "giỏi nói" mà hiệu quả kinh tế thì không có gì đáng nói.