Tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật Bản. (Ảnh: Internet)
18.000 chai tương ớt Chinsu đã bị thu hồi tại Nhật Bản do không ghi nhãn phụ đầy đủ và có chứa acid benzoic – phụ gia không được phép cho vào tương ớt ở Nhật. Đại diện công ty sản xuất tương ớt Chin-su, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan cho biết: “Đây là lô thực phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam”. Phía Masan khẳng định, họ không trực tiếp xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản.
Liên quan đến vụ việc hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu có nguồn gốc từ Việt Nam bị thu hồi tại Nhật Bản, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã vào cuộc, đang nhanh chóng tiến hành làm rõ vụ việc.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú. (Ảnh: DV)
Trong cuộc trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho biết, trong những chuyến công tác, học tập kinh nghiệm tại Nhật Bản, điều khiên ông nhớ nhất chính là tinh thần: “Những sản phẩm tốt nhất nước Nhật sẽ dành cho người Nhật. Thậm chí, tiêu chuẩn hàng hoá nội địa của họ còn cao hơn tiêu chuẩn hàng hoá xuất khẩu, dù hàng hoá Nhật Bản xuất khẩu đi các quốc gia vẫn được thị trường sở tại chấp nhận.
Ví dụ, sản phẩm lò vi sóng. Ở Nhật, họ quy định sản phẩm này khi bán tại thị trường nội địa sẽ áp dụng tiêu chuẩn điện là 110V bởi như vậy là an toàn nhất, kỹ thuật , giá thành hợp lý nhất. Trong khi Việt Nam hay một số quốc gia khác lại làm ngược lại, sản phẩm trong nước không tốt bằng sản phẩm xuất khẩu với mục tiêu thu về nhiều ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu”.
Xung quanh nguyên nhân 18.000 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật Bản do không ghi nhãn phụ đầy đủ và có chứa acid benzoic, ông Phú cho hay: “Nhật Bản có khoản 200 bộ tiêu chí về thực phẩm, được phân loại thành các tiêu chuẩn về độ mặn, hàm lượng hoá chất, chất bảo quản… Các yếu tố về bao bì, giá cả cũng rất khắt khe. Điều quan trọng nhất là Nhật Bản luôn có cơ quan giám sát, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Một doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam khi xuất khẩu, do bao bì ghi sai. Tất cả đều là bài học xương máu trên thương trường”.
Hệ thông đảm bảo an toàn thực phẩm nhập khẩu vào Nhật Bản. (Ảnh: VASEP)
Theo ông Vũ Vinh Phú, muốn xuất khẩu bất kỳ mặt hàng nào vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp phải chứng minh từ xuất xứ từng loại nguyên liệu và thời gian gia công, cho đến lương công nhân, độ tuổi công nhân trên 18 tuổi… Bên cạnh hàng rào kỹ thuật, có nhiều hàng rào khác như hàng rào thủ tục, mà Nhật Bản là nước sử dụng hàng rào thủ tục cực kỳ giỏi.
Ở Nhật Bản, chất phụ gia đối với thực phảm được quản lý và quy định chặt chẽ. Theo điều 10 của Luật vệ sinh thực phẩm Nhật Bản, hông ai được bán, sản xuất, nhập khẩu, chế biến, sử dụng, lưu trữ hoặc trưng bày với mục đích bán bất kỳ chất phụ gia thực phẩm nào (không bao gồm bất kỳ chất tạo hương tự nhiên và bất kỳ chất nào thường được cung cấp để ăn hoặc uống như một loại thực phẩm và được sử dụng như phụ gia thực phẩm) hoặc bất kỳ chế phẩm hoặc thực phẩm nào có chứa phụ gia thực phẩm đó, trừ khi Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi chỉ định nó không gây hại cho sức khỏe con người dựa trên ý kiến của Hội đồng Dược phẩm và Vệ sinh Thực phẩm. |
Một số doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá vào Nhật Bản phản ánh, nước này đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật quá cao và gây cản trở. Tuy nhiên, cần khẳng định không thể yêu cầu quốc gia hạ thấp tiêu chuẩn về rào cản kỹ thuật, mà ta buộc phải chấp nhận.
Từ đây, ông Vũ Vinh Phú cũng chia sẻ một số bài học kinh doanh của người Nhật. Thứ nhất, chất lượng hàng hoá. Thứ hai, phương thức giao hàng. Thứ ba, chữ tín trong kinh doanh.
“Họ yêu cầu 10 con cá có độ dài 5cm thì số cá đó phải đặt vừa trong chiếc hộp dài 5cm. Một lần công tác tại Nhật Bản, họ cho đoàn chúng tôi xem một lô hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Điều bất ngờ là một chiếc hộp tưởng rằng dùng để đựng thực phẩm trong lô hàng lại dùng để đựng đồ chơi trẻ em. Ở một lô hàng nhập khẩu khác, họ cho chúng tôi xem bao bì của một gói mì bị rách. Họ cẩn thận tới mức định lượng thực tế của gói đường hụt mất 1 gram so với định lượng ghi trên bao bì cũng bị phát hiện. Tất cả để nói với chúng tôi rằng muốn hợp tác kinh doanh với họ, phải làm ăn chỉn chu, thực hiện nghiêm túc và đúng theo tiêu chuẩn của họ”, ông Phú nói.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, nguyên nhân dân tới sự việc 18.000 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật Bản do chứa acid benzoic là sự khác biệt về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ở mỗi quốc gia.
“Đây đơn thuần là quy định các doanh nghiệp nước ngoài cần vượt qua để gia nhập thị trường. Không thể kết luận acid Benzoic bị cấm ở Nhật nên tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ở Nhật Bản cao hơn Việt Nam như một số ý kiến trước đó. Trong việc sử dụng chất phụ gia acid benzoic, hiện chất này vẫn dược phép sử dụng trong chế biến thực phẩm tại Việt Nam trong khi bị cấm ở Nhật. Ngược lại, phụ gia mà Nhật cho phép sử dụng trong tương ớt là Nisin tuy nằm trong danh mục phụ gia cho phép của Việt Nam và Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế nhưng không được phép dùng trong tương ớt”, ông Trương Thanh Đức nói.
Tựu chung lại, các chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu và tìm hiểu về quy định các phụ gia được phép sử dụng, cũng như ghi nhãn mác cần tuẩn thủ nghiêm ngặt khi vào các thị trường xuất khẩu mới.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), acid benzoic là phụ gia thực phẩm (chống nấm mốc) được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cho phép sử dụng mà VN và Nhật Bản đều là thành viên của Codex. Hiện có 186 nước như Mỹ, Úc, Cananda… dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex. Tại Việt Nam phụ gia thực phẩm axit benzoic cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau và Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30.11.2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng axit benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1 gram/kg sản phẩm tương ớt. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mỗi quốc gia, việc quy định sử dụng phụ gia thực phẩm cũng sẽ khác nhau, trên cơ sở thói quen sử dụng sản phẩm, công nghệ sản xuất. |