Bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, nhấn mạnh như vậy hội nghị sơ kết quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2019 của Ban chỉ đạo.
Nhiều kết quả ấn tượng
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU, tính đến nay, toàn TP.Hà Nội đã có 325/386 xã đạt chuẩn NTM và 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung (huyện Đan Phượng) đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2018. Trong số 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn NTM, có 7 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 46 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, còn 8 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân.
ảnh: Trần Quang
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, việc tổ chức sản xuất và xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao vẫn đang được Hà Nội đẩy mạnh. Đến nay thành phố đã xây dựng được 131 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và 131 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp... Các mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đến nay, Thủ đô đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình T.Ư thẩm định, công nhận 3 huyện: Quốc Oai, Gia Lâm, Phúc Thọ đạt chuẩn NTM năm 2018. Ngoài ra, thành phố cũng đang chỉ đạo các huyện: Thạch Thất, Sóc Sơn, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây hoàn thiện các tiêu chí đề nghị công nhận huyện, thị xã đạt chuẩn NTM năm 2019.
Theo ông Nguyễn Tất Thắng - Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, huyện đang tập trung xây dựng mô hình điểm ở một số xã, từ đó bổ sung kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo các xã khác, phấn đấu hoàn thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2020.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU như: Bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp; một số công trình hạ tầng đầu tư nhưng chưa sử dụng hiệu quả, gây lãng phí; còn vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng; một số nơi còn ô nhiễm môi trường, nhất là các làng nghề...
Về nhiệm vụ trọng tâm trong 9 tháng cuối năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu: "Đối với nông nghiệp,
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã trao bằng khen của Bộ NNPTNT cho 19 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” 2016-2018. |
phải tập trung cho công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành, sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm...".
"Hà Nội đang có rất nhiều nông sản nổi tiếng và có chất lượng tốt như nhãn Đại Thành, cam Canh..., nhưng theo tôi thấy việc đầu tư cho xây dựng thương hiệu, đóng gói, tem nhãn mác cho sản phẩm còn kém, dẫn đến chưa hấp dẫn người tiêu dùng. Đây là điều mà các đơn vị liên quan phải chấn chỉnh ngay để dần hướng tới đưa các sản phẩm này xuất khẩu được nhiều hơn" - bà Hằng nhấn mạnh.