Dân Việt

Tìm vaccine dịch tả lợn châu Phi: Thế giới thất bại, VN vẫn quyết làm

Anh Thơ 11/04/2019 19:07 GMT+7
Ngay khi bắt tay vào “săn” virus dịch tả lợn châu Phi phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng loại dịch bệnh này, các nhà khoa học của Việt Nam đã xác định, đây là việc không dễ, bởi thế giới đã từng làm và thất bại, rồi để nhiệm vụ này “ngủ quên” trong nhiều năm. Nhưng dù vậy, những kết quả bước đầu cho thấy, việc này dù khó nhưng không phải không có lối ra.

Đã có kết quả bước đầu quan trọng

Sau hơn 2 tháng kể từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam, đến nay các đơn vị chức năng đang nghiên cứu và bước đầu có thể khẳng định có nhiều cơ sở để sản xuất được vaccine phòng bệnh này. "Đây là việc vô cùng khó nhưng khó mấy cũng phải làm" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định tại cuộc họp với Bộ KHCN, Bộ  Y tế, các đơn vị nghiên cứu về nhiệm vụ sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi.

img

Các nhà khoa học Việt Nam đã bước đầu phân lập được virus dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: T.L

Điều đáng ghi nhận là, sau 2 tháng, các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã cho ra kết quả bước đầu trong việc phân lập virus. Theo GS - TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện, đến nay học viện Nông nghiệp Việt Nam đã làm chủ được quy trình và sản xuất 3 loại tế bào để phục vụ nghiên cứu: Đại thực bào phế nang, tế bào tủy xương, tế bào bạch cầu trong máu. Học viện đã phân lập được virus dịch tả lợn châu Phi trên cả 3 loại tế bào trên.

Bà Lan cho biết: “Chúng tôi đã có được các dòng tế bào để nhân virus với số lượng lớn như Tb Cos, tb Vero, tb PK15. Chúng tôi đang thí nghiệm để đánh giá và lựa chọn dòng tế bào nào nhân virus tốt nhất, giữ được đặc tính di truyền và tính kháng nguyên của virus".

"Hiện các nhà nghiên cứu đã có được dòng tế bào có tiềm năng nhân được virus số lượng lớn. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục gây nhiễm virus trên dòng tế bào này, nếu thích nghi được trên dòng tế bào này thì đây là tín hiệu rất tốt để có thể sản xuất được vaccine với quy mô lớn" - bà Lan thông tin thêm.

Về kết quả phân lập virus, bà Lan cho biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phân lập thành công 14 chủng virus dịch tả lợn châu Phi từ các mẫu bệnh phẩm thu thập được tại 4 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, trên cả 3 loại tế bào mà các nhà khoa học của học viện sản xuất ra. Các virus phân lập được đều có ct rất cao, thời gian quan sát được virus nhân lên trên tế bào rất sớm, sau 24 giờ đã xuất hiện và đến 36 - 48 giờ thì khá đẹp.

Ngoài những kết quả bước đầu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Chi cục Thú y vùng VI cũng cho biết, đã có nguyên vật liệu và phân lập thành công virus dịch tả lợn châu Phi - một kết quả bước đầu quan trọng để sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi. Hiện Chi cục Thú y vùng 6 đã bắt tay với Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco bàn phương án nghiên cứu sản xuất vaccine.

Theo GS - TS Cù Hữu Phú - Giám đốc Nhà máy sản xuất vaccine của Công ty CP Thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet, hiện có thông tin một chủng virus dịch tả lợn châu Phi tự nhiên đã được phân lập để sản xuất vaccine ở một đơn vị nghiên cứu của nước ngoài, theo đánh giá thì có thể 3 – 4 năm nữa sẽ có vaccine. Khó khăn nhất trong sản xuất vaccine là xác định chủng giống chứ công nghệ sản xuất không phải là vấn đề lớn. Vì thế, việc chủ động chủng giống trong nước là chiến lược lâu dài. Bởi dịch tả lợn châu Phi đã lan ra toàn cầu, nếu có vaccine phòng bệnh thì vấn đề chủng giống là độc quyền, chúng ta không dễ mua được.

 Việt Nam đã có 9 cơ sở sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn GMP-WHO đáp ứng yêu cầu về điều kiện sản xuất vaccine thú y, đăng ký sản xuất lưu hành 138 sản phẩm vaccine, về cơ bản, vaccine sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu phòng các bệnh thông thường trên gia súc, gia cầm trong nước và một số loại đã xuất khẩu.

Có đủ cơ sở để sản xuất vaccine

Đánh giá về cơ sở để Việt Nam có thể sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi, ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, Việt Nam đã có 9 cơ sở sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn GMP-WHO đáp ứng yêu cầu về điều kiện sản xuất vaccine thú y, đăng ký sản xuất lưu hành 138 sản phẩm vaccine, về cơ bản, vaccine sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu phòng các bệnh thông thường trên gia súc, gia cầm trong nước và một số loại đã xuất khẩu.

Đặc biệt, Việt Nam đã sản xuất được một số loại vaccine phòng bệnh quan trọng như: Cúm gia cầm (Navet-Vifluvac) của Công ty Navetco (sản xuất từ năm 2012); vaccine phòng bệnh tai xanh của Công ty Hanvet (sản xuất từ năm 2015); vaccine lở mồm long móng của Công ty TNHH AVAC Việt Nam (sản xuất từ năm 2018).

Từ những kết quả bước đầu quan trọng đó, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, sẽ là nền tảng quan trọng để tiến tới nghiên cứu vaccine, Bộ trưởng giao Cục Thú y tiếp tục tập hợp các nghiên cứu về vaccine phòng chống loại dịch bệnh này trên thế giới, đồng thời xây dựng đề án quốc gia nghiên cứu vaccine với sự tham gia của các bên để Bộ NNPTNT trình Chính phủ phê duyệt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, với hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trước mắt Bộ NNPTNT đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp Bộ KHCN, Bộ Y tế, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, các bộ, ngành có liên quan tổ chức xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án quốc gia nghiên cứu các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cùng với đó, kiến nghị cho phép Bộ NNPTNT kêu gọi, mời và hợp tác các nhà nghiên cứu trong nước, quốc tế, các doanh nghiệp có tiềm năng và có quyết tâm đầu tư để tổ chức nghiên cứu, sản xuất thành công vacine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi; bao gồm cả việc hợp tác quốc tế, hợp tác chuyển giao hoặc mua công nghệ sản xuất vacine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp nước ngoài.