“Nhà bác chưa phải có nhiều mận nhất ở đây đâu” đấy là câu nói khiêm tốn của ông Định khi chúng tôi ghé qua nhà và ngỏ ý muốn thăm quan khu vườn mận ông trồng "lung tung".
Sau 1 hồi nói chuyện, ông Định cho biết: Nhà ông bắt đầu trồng mận từ những năm 1990, nhưng hồi đó trồng theo phong trào chứ chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật ra sao. “Hồi đó trồng mận mục đích chỉ là để ăn cho vui miệng, không phải xin nhà hàng xóm chứ đâu đã biết trồng để bán ra tiền đâu. Mận trồng xuống hầu như không sai quả, sau 3 năm thì chết sạch”, ông Định nói.
Vườn mận hơn 1.000 gốc của ông Định sai chi chít quả, trung bình mỗi cây cho 7-8kg mận.
Năm 2015, ông bàn với gia đình cùng con trai lớn quyết định trồng hơn 1.500 gốc mận lai (lai táo, lai đào) trên điện tích đất vườn trồng ngô của gia đình. Sau 3 năm chăm sóc, vườn mận bắt đầu cho bói quả, nhiều thương lái thu mua tại nhà.
Nhờ có cách làm hay, "bí kíp" đặc biệt mà vườn nhà ông năm nào cũng sai chi chít mận.
Dẫn chúng tôi cùng thương lái từ Bắc Giang vượt đường bùn lầy lội vào thăm vườn mận của gia đình, ông nói: Ở đây hầu như nhà nào cũng có mận, chỉ là đủ ăn hoặc được bán đôi chục cân chứ không nhiều lắm. Theo ông, muốn mận bói nhiều quả thì phải có kỹ thuật, có cách làm đặc biệt chứ để mận thụ phấn tự nhiên như vậy thì vườn chỉ lác đác quả.
Mận sai luôn cả ra thân cây, những quả mận hơi ửng vàng, bóng bẩy bên ngoài vẫn còn đang phủ 1 lớp phấn màu trắng.
Khi được hỏi về “bí kíp” đăc biệt ông nói: Trồng mận đắng xen giữa mận lai là cách làm hiệu quả giúp quá trình thụ phấn của cây mận lai tốt hơn, tỉ lệ đậu quả cao hơn. “Cứ cách 2 hàng mận lai tôi lại trồng xen 1 hàng mận đắng. Nhờ vậy mà ai cũng bảo vườn nhà ông Định sao năm nào cũng chi chít quả thế”, ông kể lại. Ngoài ra, theo ông đến mùa hoa nở người trồng mận bẻ lấy 1 cành hoa mận đắng cắm vào những cành hoa mận lai. Cứ làm như vậy thì tỉ lệ thụ phấn đậu quả sẽ cao hơn.
Mận đắng được ông Định trồng thêm, xen vào giữa những cây mận lai để tăng khả năng thụ phấn.
Theo ông Định trồng mận quan trọng nhất khâu chuẩn bị đất, phải xới, bón lót vôi, nấm để diệt mầm bệnh trong đất. Khi sử dụng thuốc trị sâu bệnh, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, phải bón phân định kỳ để đảm bảo chất dinh dưỡng nuôi cây.
Nhìn khu vườn mận hơn 1.000 gốc xanh tốt, chi chít quả đang căng mình bóng bẩy trước nắng có lẽ ai cũng hiểu đó là thành quả lao động cần mẫn của đôi vợ chồng già quyết chí thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình.“ Còn sức khỏe còn làm được thì cứ làm thôi, mình quen làm nông, ở không bứt rứt lắm” ông Định cười đùa.
Dự kiến vườn mận này cho thu hoạch 6- 7tấn
Hiện hơn 1.000 gốc mận lai của gia đình ông đang cho thu hoạch, ngoài ra ông cũng vừa trồng thêm hơn 1.000 gốc. Ông Định dự kiến nếu thu hết năm nay gia đình sẽ thu khoảng 6-7 tấn mận ước chừng sẽ thu hơn 100 triệu đồng.
“Gia đình tôi đã vặt mận bán từ lúc quả còn bé, 1 tháng nay chắc cũng bán đi tầm vài tạ. Mận đầu mùa tuy quả nhỏ nhưng lại được giá cao, bán 80.000/kg thương lái đến tận nhà lấy. Quả càng to, càng gần đúng vụ mận thì giá bắt đầu giảm dần và hiện tại gia đình bán với giá 25.000/kg”, ông nói.
Thương lái đến tận vườn nhà ông xem và thương thảo về giá thu mua tại vườn.
Trên đường về chúng tôi đi xuyên qua khu vườn mận, ánh nắng vàng chiếu vào làm những quả mận trông vàng giòn, bóng bẩy bên ngoài phủ 1 lớp phấn trắng đẹp lạ thường. Và chắc hẳn trong lòng của lão nông nơi vùng đất cằn ấy cũng đang có chút gì đó vui vui khi vừa ghé qua nhìn ngắm những thảnh quả “ngọt ngào” sau bao ngày vất vả dầm mưa dãi nắng, đổ mồ hôi trên khu vườn này.