Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải).
Mỹ đã quyết định coi lực lượng Vệ binh cộng hoà Hồi giáo Iran (IRGC) là tổ chức khủng bố và sự đáp trả của Iran không để phải chờ đợi lâu khi Iran coi Mỹ là "trùm khủng bố quốc tế" và liệt Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ (CENTCOM) - cơ quan chuyên giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực Trung Đông - như một tổ chức khủng bố. Căng thẳng và đối địch giữa hai bên đã leo lên nấc thang mới với tính chất và tác động đặc biệt nguy hiểm đối với mối quan hệ giữa hai bên.
Quyết định này của Mỹ chỉ mang tính chính trị và biểu trưng chứ còn trên thực tế thì Mỹ đã áp dụng đối với IRGC từ lâu rồi mọi biện pháp chính sách như đối với các tổ chức hay cá nhân bị Mỹ coi là khủng bố. Mỹ đẩy Iran vào tình thế không thể không đáp trả. Mỹ nhằm vào lực lượng IRGC của Iran thì Iran cũng sẽ nhằm vào quân đội Mỹ hiện đồn trú ở nhiều nơi trong khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Nguy cơ bùng phát đụng độ quân sự trực tiếp giữa hai bên đã gia tăng đáng kể và tiềm ẩn trong đó cả nguy cơ rất thực tế là diễn biến tình hình rồi có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát và kiềm chế của cả hai bên.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là Mỹ muốn làm lợi hay liều lĩnh ?
Quyết định này của Mỹ mang nặng dấu ấn riêng của bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Hai người này từ khi chưa trở thành cộng sự của tổng thống Mỹ Donald Trump đều là những con diều hâu đầu đàn trong chính sách và quan hệ của Mỹ với Iran. Họ đã đóng vai trò quyết định nhất trong việc nước Mỹ rút ra khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran để áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran, trong việc xác định Iran là kẻ thù của Mỹ ở khu vực mà Mỹ phải ưu tiên đối phó.
Diễn biến mới kia vì thế không gây bất ngờ gì. Suy tính của họ là chỉ cần Mỹ duy trì và gia tăng đến mức tối đa áp lực đối với Iran thì Iran tự khắc sẽ phải đáp ứng mọi yêu cầu đòi hỏi của Mỹ hoặc chính thể hiện tại ở Iran sẽ tự sụp đổ, tức là thay đổi thể chế nhà nước chính trị ở Iran mà không cần phải và cũng vì không thể tiến hành chiến tranh để thay đổi thể chế nhà nước chính trị ở đó như Mỹ đã làm cùng đồng minh ở Afghanistan, Iraq hay Libya. Mưu tính của họ là làm cho Iran không chấp nhận đàm phán lại với Mỹ, khởi động trở lại chương trình hạt nhân, tiếp tục thúc đẩy chương trình tên lửa, khoét sâu thù địch giữa Iran và các nước láng giềng để rồi Mỹ có cớ tiến hành tấn công quân sự Iran.
Họ thừa hiểu rằng Iran sẽ ăn miếng trả miếng Mỹ và như thế họ sẽ đẩy Iran vào tình trạng đối địch quân sự với Mỹ mà họ tin rằng Iran chỉ có thể bại và Mỹ chắc chắn sẽ thắng. Họ ý thức được rằng người kế nhiệm ông Trump chắc chắn sẽ nghĩ khác, suy tính khác và quyết định khác ông Trump. Trước mắt, họ chỉ còn có thời gian khoảng 18 tháng để o ép ông Trump đi theo đường hướng của họ trong chính sách và quan hệ với Iran.
Hai người này coi đó là nước cờ cao giúp thu về lợi đơn ích kép. Nhưng đối với quân sựvà tình báo Mỹ thì mưu tính ấy lại rất mạo hiểm và liều lĩnh nên xưa nay không đồng tình. Các cơ quan này lo ngại cho số phận của hàng chục ngàn binh lính Mỹ hiện đang được triển khai ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh và lo ngại về việc Iran có nhiều sự lựa chọn trả đũa Mỹ.
Các cơ quan ấy có cơ sở xác đáng để biết trước được rằng Mỹ không thể chắc chắn hành xử như thế sẽ được lợi hay lại lợi bất cập hại. Càng thấy Mỹ đối xử đất nước mình như thế, người dân ở Iran càng đoàn kết nhất trí và quyết tâm cùng chính quyền đối phó và đáp trả Mỹ. Phía Iran đâu có còn tin Mỹ đủ mức để tiến hành đàm phán lại và đạt thoả thuận mới với Mỹ. Không phải tất cả các nước trong khu vực này đều sẽ đứng về phía Mỹ nếu xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Iran.
Ông Trump vốn dễ dàng thay đổi quan điểm và quyết sách cũng như không chủ trương để cho nước Mỹ gây ra và lún sâu vào chiến tranh ở bên ngoài nước Mỹ. Nhưng một khi chuyện đã đến nước này thì chắc rồi mãi phải sau khi thấm thía cái bất lợi thì phía Mỹ mới bớt liều. Cho tới khi đó, nước Mỹ còn ở trong tình trạng đã đâm lao thì phải theo lao.