Dân Việt

Gia vị đắt nhất thế giới Saffron xách tay: Loạn giá, chất lượng mập mờ

Mộc Anh 10/04/2019 19:07 GMT+7
Chưa bao giờ nhụy hoa nghệ tây - Saffron lại “sốt” như hiện nay. Chúng được rao bán khắp nơi, tuy nhiên, chất lượng thực tế của sản phẩm vẫn còn là dấu hỏi.

Khoảng 2 năm trở lại đây, nhụy hoa nghệ tây được người tiêu dùng Việt nhắc đến nhiều, đỉnh điểm là từ cuối năm 2018. Theo khảo sát của phóng viên, nhụy hoa nghệ tây đang rơi vào tình trạng loạn giá. Nhụy hoa nghệ tây trung cấp có nơi rao bán 130 triệu/kg nhưng có nơi “hét” tới 350 triệu/ kg. Nhụy hoa cao cấp có giá dao động trong khoảng 400 – 500 triệu/ kg. Là mặt hàng có giá trị cao nên nhụy hoa nghệ tây không thoát được vấn nạn hàng giả, hàng nhái dù các cơ sở kinh doanh đều khẳng định sản phẩm mình bán là hàng xách tay “chuẩn 100%”.

img

Nhụy hoa nghệ tây đang là sản phẩm hot trên thị trường, được bán với giá vô cùng đắt đỏ. 

Chị Mai Hương (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) chia sẻ, một shop online chuyên bán nhụy hoa nghệ tây cam kết hàng xịn từ Iran do người nhà bên đó chuyển về với giá 10 triệu đồng cho 5 hộp, mỗi hộp 10 gam, tính ra chỉ có 200 nghìn/gam. Thấy giá rẻ hơn trên thị trường, chủ shop lại đảm bảo về chất lượng nên chị đã đồng ý mua ngay. Tuy nhiên, khi đem ra sử dụng, chị mới phát hiện đây là hàng giả.

“Tôi thả nhụy hoa vào nước, ngay lập tức nước loang sang màu đỏ, nhụy hoa bị nhũn và đứt ra nhiều mảnh. Nếu chưa từng sử dụng, tôi sẽ không phát hiện ra hàng giả. Nhưng được bạn bè đã dùng chia sẻ nên tôi biết đôi chút về sản phẩm này. Nếu là hàng thật, khi thả vào nước sẽ mất khoảng thời gian nước mới chuyển sang màu vàng trong veo. Nhụy hoa vẫn còn cứng nguyên và không hề đứt gãy”, chị Hương chia sẻ.

Đi tìm câu trả lời cho công dụng của nhụy hoa nghệ tây, bác sĩ Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nhụy hoa nghệ tây đã được chứng minh có công dụng: tăng cường trí nhớ, chống lão hóa, phòng ngừa và hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư, tăng cường sức khỏe tim mạch và huyết áp… Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường đang xuất hiện sản phẩm giả bằng cách dùng hóa chất để nhuộm màu, tạo mùi hương giống nhụy hoa nghệ tây thật. “Điều này là vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Khi sử dụng, người dùng không thể biết được sản phẩm nhụy hoa đó đã được nhuộm màu bởi chất gì, thành phần ra sao, liều lượng thế nào. Vậy nên, nếu sử dụng những nhụy hoa nghệ tây không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng về lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe.

Trước thực tế loạn sản phẩm, loạn giá bán nhụy hoa nghệ tây, ông Tống Khiêm, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, không riêng nhụy hoa nghệ tây, tất cả hàng hóa nhập ngoại đều phải được cơ quan chức năng cấp phép mới đáng tin cậy. Các sản phẩm này phải có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vì vậy, dù các công ty có tự giới thiệu là nhà phân phối độc quyền từ Iran, Ai Cập hay Dubai thì khách hàng cũng cần kiểm tra thông tin về giấy phép do các cơ quan chức năng cấp, tìm hiểu rõ về sản phẩm trước khi quyết định mua.

Bên cạnh đó, khi quyết định mua nhụy hoa nghệ tây, khách hàng cũng nên “bỏ túi” các cách phân biệt sản phẩm thật, giả. Theo đó, có 5 cách phổ biến có thể nhận biết được như sau:

“Thứ nhất, phân biệt bằng cách quan sát màu sắc, nhụy hoa nghệ tây thật có màu đỏ thẫm, đều màu. Thứ hai, nhụy hoa nghệ tây thật có vị ngọt, chứ không hề đắng. Thứ ba, nhụy hoa có mùi mật ong và cỏ khô. Thứ tư, khi ngâm vào nước, nhụy hoa thật phải mất hơn 10 phút mới tiết ra nước vàng óng, đẹp mắt. Dù ngâm lâu, nhụy hoa cũng không bị đứt gãy. Thứ năm, khi trộn nhụy hoa nghệ tây với bột baking soda và nước, nhụy hoa thật làm nước ngả sang màu vàng, ngược lại thì nước sẽ chuyển sang đỏ cam”, ông Khiêm chia sẻ.

Nhụy hoa nghệ tây không thuộc trường hợp cấm nhập khẩu hay nhập khẩu có điều kiện theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về quản lý ngoại thương, tuy nhiên, nhụy hoa nghệ tây thuộc diện phải kiểm dịch thực vật trước khi thông quan theo Phụ lục 3- Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật ban hành kèm theo Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.