Dân Việt

ĐBSCL: Báo động 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm dài cả trăm km

Chúc Ly - Ngọc Quyên 11/04/2019 11:22 GMT+7
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện nay, khu vực ĐBSCL có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 164km.

57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm

Mới đây, tại Cà Mau, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo “Giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL”.

Tại đây, các báo cáo tham luận tập trung đánh giá những tồn tại của các giải pháp đã thực hiện thời gian qua, những hạn chế trong thiết kế, thi công các dự án đã được Chính phủ hỗ trợ.

Theo đánh giá của các chuyên gia và ngành chuyên môn, biến đổi khí hậu và áp lực từ con người càng làm cho tình trạng sạt lở vùng ĐBSCL gia tăng, và ngày càng phức tạp; ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống hơn 20 triệu người trong vùng.

img

Cà Mau rất quan tâm đến vấn đề ứng phó sạt lở ven sông, ven biển. Trong ảnh: Công trình đê trụ rỗng ở đoạn Đá Bạc - Sào Lưới thuộc dự án kè cấp bách chống sạt lở mùa mưa bão 2018. Ảnh: CTV.

Qua công tác quản lý và báo cáo của các tỉnh vùng ĐBSCL, hiện có 326 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 786km; trong số đó có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 164km (sạt lở bờ sông 38 điểm/dài 79km, sạt lở bờ biển 19 điểm/ dài 8km).

Theo TS Đỗ Đức Dũng - Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi, theo thống kê từ năm 1973 đến nay, hiện tượng xói, bồi ở ĐBSCL rất phức tạp. Từ năm 1973-2013, tổng diện tích mất đất khoảng 15.000ha, trong khi tổng diện tích bồi là 30.300ha. Tuy nhiên, ở Cà Mau và Tiền Giang lại có diện tích bị xói lở lớn. Theo kết quả kiểm tra, các khu vực sạt lở ven biển phần lớn tập trung ở những nơi có cửa sông đổ ra biển.

Cần giải pháp hiệu quả với chi phí thấp

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: Trước diễn biến phức tạp của sạt lở có xu thế ngày càng gia tăng, những năm qua T.Ư, các tổ chức quốc tế và các địa phương đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển.

img

Thứ trưởng Hà Công Tuấn chủ trì hội thảo. Ảnh: CTV.

Năm 2018, Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng để triển khai 29 dự án cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển. Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo, đầu tư xử lý sạt lở với kinh phí 1.000 tỷ đồng nguồn đầu tư trung hạn, 36 triệu USD từ dự án WB, ADB. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cho thấy, các địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện các dự án xử lý sạt lở cấp bách, dẫn đến kết quả đạt được đến nay chưa cao.

Theo nhiều đại biểu tại hội thảo, việc phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển hiện nay đang còn rất nhiều bất cập. Các loại công nghệ được cho là hiện đại có mức đầu tư rất cao. 

Từ đó, các đại biểu đồng quan điểm cho rằng, giải pháp chống sạt lở bờ biển, bờ sông cần giải pháp công trình gắn với giải pháp phi công trình là khôi phục đai rừng để bảo vệ đê biển. Trong đó, các giải pháp cần hướng đến tính hiệu quả với chi phí thấp.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Bằng nguồn lực địa phương, sự hỗ trợ của T.Ư, tỉnh đã triển khai nhiều dự án, công trình, để bảo vệ bờ sông, bờ biển. Dù cố gắng nhưng công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển hiện nay trên địa bàn còn nhiều khó khăn, cần phải có giải pháp tháo gỡ.

Cũng theo ông Sử, giải pháp công trình, dù đã đạt được những kết quả tốt, nhưng hiện tại chỉ mới thành công ở bước tạo được sự ổn định gây bồi, tạo được rừng. Vì vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu các công trình có sức đầu tư thấp hơn, gây được bồi, tạo được bãi.

img

Công trình Ứng phó sạt lở thử nghiệm tại Biển Đông, bảo vệ khu vực Nhà Mát (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã lắp đặt hoàn thành và phát huy hiệu quả.

Trên thực tế, Cà Mau đã rất nỗ lực trong việc ứng phó với sạt lở. Theo ông Nguyễn Long Hoai - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Cà Mau, hiện tỉnh đã khắc phục được 82km và không xảy ra vỡ đê trong những năm gần đây. Từ thực tế áp dụng, hiện địa phương có ba loại kè mang lại hiệu quả là kè tạo bãi cọc BT ly tâm kết hợp đá hộc; kè đê trụ rỗng và kè cấu kiện bằng bê-tông cốt phi kim phá sóng.

Được biết, đê trụ rỗng là giải pháp có hiệu quả vượt trội ở các mặt: Khả năng tiêu giảm sóng cách bờ từ 100-150m vượt trội; sau tuyến kè, phù sa bồi lắng thành bãi với tốc độ gây bồi nhanh, khả năng tái sinh rừng sau 2 năm lắp đặt và có thể di dời đê trụ rỗng sang vị trí khác khi đã tạo bãi, khôi phục được rừng… Đặc biệt, đê trụ rỗng hiện có cho phí đầu tư thấp hơn so với một số loại kè khác (18 tỷ đồng/km đối với kè đê biển tây).

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho hay, sẽ giao Tổng cục Phòng chống thiên tai rà soát những điểm sạt lở, có phương án xử lý gắn với sinh kế người dân. Đồng thời, các địa phương phải gần dân hơn, cảnh báo kịp thời, xử lý nhanh những biến đổi bất thường với những công trình, phi công trình.