Dân Việt

Mai Hắc Đế chỉ huy liên quân Đông Nam Á đại chiến giặc phương Bắc

Anh Tú 11/04/2019 19:32 GMT+7
Vua Chân Lạp là Hồ A Khiêm cho tướng Tham Ninh Na và vua Lâm Ấp là Phạm Hồ Dĩnh cho tướng Chư Hương An thống lĩnh quân đội, mỗi nước 10 vạn người sang Việt Nam chiến đấu dưới lá cờ đại nghĩa của Đại đế Mai Thúc Loan.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta thì ngoài nghệ thuật dùng binh thì còn một nghệ thuật khác đáng được ca ngợi. Đó là chính sách ngoại giao uyển chuyển. Để đối phó với những thế lực phương Bắc mạnh hơn nhờ đất rộng người đông thì ta phải lúc nhu, lúc cương, lúc đánh kiểu tiên hạ thủ vi cường như Lý Thường Kiệt đánh vào Ung châu, khi thì dùng kế vườn không nhà trống kiểu vua tôi nhà Trần. Bên cạnh đó, ta còn biết kết hợp với việc dùng chính sách liên kết với các nước láng giềng để đối phó với phương Bắc.

img

Ngay từ trước thời có nền độc lập lâu dài (thời trước Ngô Quyền xưng vương), các vua nước ta đã thực hiện việc ngoại giao với các nước Đông Nam Á để chống kẻ thù chung. Năm Khai Nguyên thứ nhất đời vua Đường Huyền Tông ở Trung Hoa, tức năm Quý Sửu (713), Mai Thúc Loan tiến hành cuộc khởi nghĩa tại Rú Đụn, còn gọi là Hùng Sơn (Nghệ An). Tháng 4 năm 713, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, sử gọi ông là Mai Hắc Đế. Ông cho xây thành lũy, lập kinh đô Vạn An (thuộc xã Vân Diên và thị trấn Nam Đàn hiện nay), tích cực rèn tập tướng sỹ.

Bên trong, ông cho người đi các châu huyện báo tin thắng trận và kêu gọi nhân dân 32 châu trong cả nước cùng nổi dậy phối hợp chiến đấu. Tinh thần đại đoàn kết của ông được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Ông đã tập hợp được quân của cả 32 châu để cùng đánh giặc. Sử Trung Quốc ghi chép rằng: "Mai Thúc Loan đã dấy quân 32 châu” (Tân Đường thư (sách sử Trung quốc), q.207, Dương Tư Húc truyện).

Về đối ngoại, theo cuốn Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước của Nguyễn Lương Bích, Mai Hắc Đế đã tiến hành vận động liên minh quân sự với nước ngoài để cùng đánh giặc. Đây là nét độc đáo trong kế sách đối ngoại của Mai Thúc Loan. Sử Trung Quốc ghi rằng ông đã liên minh được với các nước Lâm Ấp (thuộc Huế hiện nay), Chân Lạp (tức Campuchia ngày nay) và Kim Lân (tức Malaysia ngày nay) (Tân Đường thư (sách sử Trung quốc), q.207, Dương Tư Húc truyện).

Truyền thuyết của ta kể lại cụ thể: Mai Đại Đế khởi nghĩa năm Quý Sửu (713) thì năm sau là năm Giáp Dần (714) , cử một tướng là Tiết Anh làm Lâm Ấp thông vấn sứ và một tướng là Hoắc Đam làm Chân Lạp cáo dự sứ. Hai tướng chính thức đi sứ sang hai nước Lâm Ấp, Chân Lạp để thông báo chiến thắng và đề nghị hai nước liên minh quân sự cùng đánh giặc. Với hai nước láng giềng phía nam này thì ngay từ khi chuẩn bị khởi nghĩa, Mai Thúc Loan đã cho một tướng là Ba Đội Hầu sang liên hệ. Theo truyền thuyết thì hai nước Chân Lạp và Lâm Ấp đều nhiệt liệt hưởng ứng liên minh.

Vua Chân Lạp là Hồ A Khiêm cho tướng Tham Ninh Na và vua Lâm Ấp là Phạm Hồ Dĩnh cho tướng Chư Hương An thống lĩnh quân đội, phao rằng mỗi nước mang 10 vạn người sang Việt Nam chiến đấu dưới lá cờ đại nghĩa của Đại đế Mai Thúc Loan (Chư Cát Thị: Tân đính hiệu bình Việt điện U linh tập).

Con số 10 vạn người có vẻ hơi khó tin nhưng ngày xưa, việc phao lượng quân lớn cho kẻ thù khiếp sợ cũng là bình thường. Nhưng có lẽ Chân Lạp và Lâm Ấp đã huy động một lượng quân lớn sang chống phương Bắc cùng quân của Mai Hắc Đế. Các nước phía nam hiểu rằng thời điểm đó nếu người Việt chống được làn sóng đô hộ từ phương Bắc thì chính họ sẽ thoát khỏi nguy cơ bị đô hộ. Cái này chính là giúp người để giúp mình.

Sách An Nam chí lược cũng xác nhận: "Sơ niên hiệu Khai Nguyên (713-714), của Huyền Tông, Soái trưởng Giao Châu là Mai Thúc Loan làm phản, hiệu xưng là Hắc Đế, ngoài thì kết giao với quân của Lâm Ấp và Chân Lạp, tập họp được 30 vạn quân sĩ, chiếm cứ nước An nam. Vua Huyền Tông ra lời chiếu sai quan Tả Giam Môn Vệ tướng quân là Dương Tư Miễn và quan đô hộ là Nguyên Sở Khách qua đánh".

Sau thời Mai Hắc Đế là đến lượt Phùng Hưng chống lại phương Bắc. Cuốn Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước ghi: "Năm 769, người Côn Lôn, tức người bán đảo Mã Lai và người Chà Và, tức người đảo Ja-va thuộc Indonesia ngày nay, cùng đưa quân vào đánh lực lượng đô hộ nhà Đường trên đất nước ta. Họ đánh vào tới sào huyệt của bọn đô hộ tại Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay). Được sự giúp sức cùng chiến đấu của hai đạo quân nước ngoài, nghĩa quân Phùng Hưng phất cờ khởi nghĩa, chiếm giữ châu Đường Lâm và các châu huyện xung quanh (gồm vùng Hà Nội bây giờ), xóa bỏ chính quyền địch xây dựng chính quyền độc lập của ta".