Sáng 11.4, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh đã tổ chức hội nghị tham quan, mô hình "cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa" và đánh giá các giống lúa TBR225, TBR279 và TBR117. Được biết thời gian qua dù việc trồng lúa đã có một số chuyển biến, thay đổi nhưng tại rất nhiều nơi tình trạng sản xuất theo tập quán canh tác cũ, chưa mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trong sản xuất, vẫn còn sử dụng lúa ăn để làm giống gieo sạ, bón phân chưa cân đối; diện tích trồng manh mún, nhỏ lẻ... dẫn đến chi phí đầu tư cao nhưng chất lượng, hiệu quả kinh tế đạt lại thấp...
Các đại biểu tham quan mô hình “Cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa” tại xã Tịnh Bắc. Ảnh P.V
Để tạo nên hướng đi mới, vụ đông xuân năm 2018-2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh đã phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Bắc xây dựng mô hình trình diễn “Cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa”, tại xứ đồng Mốc, thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc, quy mô diện tích gần 16,6ha/139 hộ tham gia.
Giống lúa sử dụng trong mô hình là TBR225 (cấp giống Xác nhận), do Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed chọn tạo đã được khảo nghiệm theo quy phạm khảo nghiệm quốc gia và Hội đồng KHCN Bộ NNPTNT công nhận chính thức là giống quốc gia năm 2015. Lượng giống gieo sạ của mô hình 90 kg/ha ( 4,5kg/sào Trung Bộ), thời gian gieo sạ từ ngày 3-5.1.2019.
Ông Phạm Cao Tùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh cho biết: Qua theo dõi kết quả thực hiện "Cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa" tại xã Tịnh Bắc, chúng tôi nhận thấy giống lúa trong mô hình có tỷ lệ nẩy mầm cao (>95%), chiều cao cây 105 - 110cm, cứng cây, trổ bông tập trung, bông to, dài, nhiều hạt, hạt thon dài, khối lượng 1.000 hạt 24-25gram. Các yếu tố cấu thành năng suất (như: số bông/m2, số hạt chắc/ bông...) có sự khác biệt rất rõ giữa 2 diện tích ruộng gieo trồng ở trong và ngoài mô hình. Về năng suất lúa trong mô hình trình diễn, ước năng suất thực thu đạt 64,7 tạ/ha, Trong khi năng suất của lúa trồng đại trà trong cùng điều kiện sinh thái và thổ nhưỡng ước đạt 62,3 tạ/ha.
Nhờ giảm được các khoản đầu tư không cần thiết như: Giống, phân bón, thuốc BVTV, công chăm sóc so với sản xuất lúa đại trà trong cùng điều kiện... chi phí gieo trồng của mô hình trình diễn “Cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa” đã giảm so với lúa sản xuất đại trà trong cùng điều kiện là trên 1,1 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ở ruộng mô hình là 13,36 triệu đồng/ha, ruộng nông dân 10,810 triệu đồng/ha. Như vậy ruộng mô hình lãi cao hơn so với ruộng của nông dân là 2,55 triệu đồng/ha.
Tại Hội nghị đầu bờ, đa số bà con nông dân tham gia mô hình và các đại biểu đều đánh giá giống lúa TBR225 là giống thích ứng rộng, đẻ nhánh khỏe, chịu thâm canh, cứng cây, trổ bông tập trung, bông to dài, nhiều hạt, có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo ngon. Vì vậy việc thực hiện mô hình, giúp bà con nông dân nơi đây có điều kiện tiếp cận các giống lúa mới có khả năng thích nghi với thổ nhưỡng nơi đây và hạn chế được các loại sâu bệnh hại...