Chẳng biết từ khi nào, nhắc đến ngôi trường THPT Hòn Gai (TP.Hạ Long, Quảng Ninh) – ngôi trường THPT đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh, ngôi trường viết nên lịch sử khi 2 lần vô địch Đường lên đỉnh Olympia là người ta nhắc đến cây phượng “gù”. Không còn ai nhớ rõ cây phượng “gù” trồng năm nào, chỉ biết “bác” phượng “gù” cũng ngót nghét 60 tuổi như ngôi trường THPT Hòn Gai.
Cây phượng "gù" gắn liền với ngôi trường THPT Hòn Gai nay đã không còn. (Ảnh: Nét đẹp chuyên ban Hòn Gai)
“Bác phượng gù” chứng kiến biết bao thế hệ học sinh trưởng thành từ ngôi trường THPT Hòn Gai nay không còn nữa. Một sáng tháng 4, bỗng nhiên người ta không còn thấy “bác phượng gù” đứng lặng lẽ nơi sân trường nữa. Hụt hẫng, tiếc nuối, nghẹn ngào… “Bác phượng gù” gắn với bao thế hệ người Quảng Ninh đã “nghỉ ngơi” rồi.
Cây phượng "gù" giống như nhân chứng lịch sử, lặng lẽ đứng nơi sân trường THPT Hòn Gai gần 60 năm. (Ảnh: Nét đẹp chuyên ban Hòn Gai)
Thầy Nguyễn Linh – Hiệu trưởng trường THPT Hòn Gai cho biết, cây cũng giống như con người đều có tuổi thọ. Cây phượng gù đã chết từ năm ngoái, dù nhà trường đã tìm mọi biện pháp và mời các chuyên gia về để cứu chữa nhưng vẫn không thể được. Mọi người cũng đã dùng cột xi măng để đỡ, nhưng thời gian gần đây có nhiều cành mục ruỗng rơi xuống. Trường gần 2000 học sinh, các em suốt ngày quanh quẩn gần cây phượng gù, thì có thể nguy hiểm đến an toàn. Vì vậy nhà trường phải quyết định xử lý ngay và trồng vào đó một cây mới.
"Vẫn biết cây phượng gù giống như "linh vật" của trường qua biết bao thế hệ thầy và trò nên trường cũng rất là trăn trở và băn khoăn" thầy Nguyễn Linh tâm sự.
Cây phượng gù chứng kiến bao thế hệ người Quảng Ninh trưởng thành từ ngôi trường. (Ảnh: Bạn đọc)
Lớp 12A4 khóa 1997-2000. (Ảnh: Bạn đọc)
Thầy Trần Đình Sô (cựu giáo viên trường THPT Hòn Gai) cho biết, khi tôi về trường công tác từ năm 1965 thì cây phượng gù đã có ở đó. Đoán chắc cây được trồng vào những năm 1963.
"Trước đây, cây phượng không gù như vậy. Sân trường có nhiều cây, nhưng nó như giữ vị trí độc tôn bởi cành lá sum suê, tốt tươi, lũ học trò chỉ thích leo trèo, hái hoa ở đó nên cây mới dần dần gù như thế. Cây phượng như nhân chứng đứng sân trường lặng lẽ, chứng kiến những thăng trầm của nhà trường. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, cây phượng gù vẫn hiên ngang đứng đó, chứng kiến trường phải sơ tán nhiều nơi như Giáp Khẩu, Sơn Dương, Công Kêu,… tiễn học trò đi chiến đấu. Rất nhiều học trò chiến đấu ngoài tiền tuyến khi gửi thư về đều nhắc đến cây phượng gù. Cây phượng gù còn chứng kiến ngày Bác Hồ nói chuyện với người dân Quảng Ninh tại sân trường vào sáng mùng 1 Tết, ngày 2.2.1965."
"Tôi viết rất nhiều bài thơ, bài hát về cây phượng gù, các thế hệ học sinh trường THPT đều thuộc," người thầy 76 tuổi vừa tâm sự, vừa hát bài hát do chính thầy sáng tác.
Khóa 2008-2011 (Ảnh: Bạn đọc)
Chị Trần Thị Thu (cựu học sinh trường THPT Hòn Gai khóa 1976 – 1979) không nén nổi xúc động khi nghe tin cây phượng gù không còn: “Cây phường gù trường em/ Có từ thời chống Mỹ/ Khi xưa phượng bé tý/ Chẳng gù thế này đâu/ Qua bao ngày mưa nắng/ Các bạn trẻ leo trèo/ Tuổi học trò là vậy/ Suốt ngày ngồi lên trên.." Đây là một trong nhiều bài thơ viết về cây phường gù trường Hòn Gai. Thậm chí tôi còn nhớ rõ những câu thơ “Cây phượng gù cong cõng nắng tháng năm” do thầy Trần Đình Sô sáng tác. Cây phượng gù đã gắn bó với bao nhiêu thế hệ học trò chuyên ban Hòn Gai, vậy mà giờ không còn nữa."
Nhiều giáo viên, học sinh, cựu học sinh gắn bó với trường THPT Hòn Gai không kìm được xúc động khi biết tin cây phượng "gù" không còn. “Chắc chắn những ai yêu trường, gắn bó với trường thì sẽ cảm thấy bị tổn thương,” một cô giáo cho biết. (Ảnh: Bạn đọc)
Tờ báo tường năm nào cũng lưu giữ hình ảnh cây phượng "gù". (Ảnh: Bạn đọc)
Bạn Phạm Phú Tuân (cựu học sinh trường THPT Hòn Gai khóa 2011 - 2014) cũng chia sẻ: “Là một cựu học sinh của trường THPT Hòn Gai, tôi rất lấy làm tiếc khi nghe tin cây phượng gù không còn. Hồi còn học ở trường, chúng tôi hay gọi cây phượng gù với một tên gọi thân thương là “bác phượng gù”. Tôi nhớ sau mỗi giờ học, chúng tôi ngồi dưới tán phượng gù tận hưởng bóng râm của “bác”. Không chỉ riêng tôi mà mẹ tôi - một cựu học sinh của trường, cũng rất buồn khi nghe tin cây phượng gù bị chặt.”
Cây phượng gù trường Hòn Gai Cây phượng gù cong cõng nắng tháng năm Làm nhân chứng đứng sân trường lặng lẽ Bên bờ đá hóa trời xanh thanh trẻ Nhựa đưa lời tươi mới chồi tơ Thu mở trường thương xanh thấm giấc mơ Hè chia biệt đỏ hoa buồn hứa hẹn Vỏ khắc khổ dầy thêm dòng lưu niệm Cành tay xòe che mát hát mùa thi Gió mơn man lá lay động chớp hàng mi Giọng trầm bổng trong bầu trời câu chữ Thể kỷ thông tin nhịp đời điện tử Phượng già mà hoa mắt rưng rưng Phượng rủ chúng mình chụp tấm hình chung Thời gian gửi chiến trường máu lửa Thời hội nhập thương trường mở cửa Giai điệu tâm hồn kinh tế chuyển rung Nắng gió lao xao bóng lá bao dung Phượng già đây đã thành cây linh vật Cho thương hiệu trường Hòn Gai cao quý Phượng một đời hội tụ với chia ly Tác giả: Phượng Gù Anh |