Còn nhớ thời điểm năm 2016, cây cà gai leo có giá 60 nghìn đồng/kg. Khi được giá, nông dân các xã vùng tây của Thăng Bình ồ ạt khai hoang vườn đồi để trồng loại cây này.
Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, loại cây này rớt giá thê thảm, chỉ còn 12 nghìn đồng/kg nên người dân lại phá bỏ hoặc ngừng chăm sóc loại cây này. Hiện nay giá cà gai leo tăng cao thì còn rất ít hộ dân giữ lại loại cây trồng này.
Ông Huỳnh Đức Dũng dự định phá bỏ thêm mấy sào keo để chuyển sang trồng cây cà gai leo. Ảnh: Biên Thực
Chỉ phá bỏ 1 sào trong tổng số 4 sào đất trồng cà gai leo vào thời điểm cuối năm 2016, ở thời điểm hiện nay, mỗi sào cà gai leo của gia đình ông Huỳnh Đức Dũng (thôn Đồng Thanh Sơn, xã Bình Định Nam) thu về gần 15 triệu đồng.
Với giá bán này, chỉ sau 4 tháng chăm sóc, gia đình ông Dũng đã có thu nhập cao gấp 5 - 6 lần các loại cây màu khác. Thấy giá cao nên ông Dũng có ý định phá bỏ thêm 4 sào keo để chuyển hẳn sang trồng cà gai leo.
“Trồng cây cà gai leo thì đòi hỏi công chăm sóc rất nhiều. Mà nếu không có lao động, và rớt giá thì nhiều người chặt bỏ ngay. Đối với gia đình, ngoài việc trồng 3 sào cà gai leo, hiện tôi còn bán cây giống cho nhiều nơi khác. Mỗi bịch cây giống có giá 2 nghìn đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, gia đình đã bán đi khoảng 20 nghìn bịch cây giống” - ông Dũng cho biết.
Tương tự như ông Dũng, gia đình ông Đỗ Văn Khiêm (thôn Đồng Thanh Sơn) cũng vẫn duy trì 3 sào trồng cà gai leo ở thời điểm năm 2016 đến nay. Với giá bán cao gần như với thời điểm đầu năm 2016, gia đình ông Khiêm thu về 12 triệu đồng/sào. |
Ông Khiêm cho rằng so với trồng cây màu khác, cây cà gai leo cho thu nhập cao gấp nhiều lần. Chỉ mong giá bán cao như thời điểm hiện nay để nông dân có lãi mà tiếp tục trồng. Hiện nay, ở thôn Đồng Thanh Sơn chỉ còn vài hộ trồng cây cà gai leo, còn lại các hộ khác đã phá bỏ nhiều năm trước.
Rất hiếm như ông Huỳnh Đức Dũng, hay ông Đỗ Văn Khiêm còn giữ được mấy sào trồng cây cà gai leo. Bởi trước đó, khi cà gai leo rớt giá, người dân các xã vùng tây của Thăng Bình đã phá bỏ bớt diện tích và chuyển sang trồng cây hoa màu khác.
Tại xã Bình Định Nam vào thời điểm năm 2016, người dân đã trồng cà gai leo với diện tích hơn 30ha, hiện chỉ còn khoảng 10ha.
Ông Trần Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cho rằng, thời điểm này địa phương cũng không khuyến khích người dân trồng lại hoặc trồng thêm cây cà gai leo. Ở những xã vùng tây, điều kiện đất đai cằn cỗi, chỉ có những loại cây như keo, cà gai leo là sống được với đất này. Tuy nhiên, giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu của thị trường, trong khi đó, những chính sách khuyến khích phát triển vẫn chưa được tính đến.
“Hiện chúng tôi tiếp tục thống kê diện tích mà nông dân đã phá bỏ, diện tích trồng lại. Địa phương lập tờ trình lên cấp trên để xem xét hỗ trợ để nông dân có cơ sở duy trì loại cây trồng này” - ông Trần Quốc Bảo nói. |