Dân Việt

Giá chanh tăng "nóng", thương lái Trung Quốc thất vọng vì không mua được

Trần Đáng 14/04/2019 06:20 GMT+7
Hiện ở Long An, thương lái mua chanh tại vườn với giá từ 22.000 - 25.000 đồng/kg. Tại vựa, chanh được doanh nghiệp hét giá 27.000 đồng/kg, tăng gấp 4 - 5 lần so với chính vụ.

Theo nhiều nông dân trồng chanh và doanh nghiệp thu mua, thời đểm này chanh đang vào cuối vụ, lượng chanh tươi sẽ khan hiếm, cộng với tình hình khu vực miền Nam nắng nóng như hiện nay, giá chanh sẽ còn tiến lên và thậm chí thiết lập mức giá kỷ lục mới.

Giá sẽ còn tăng?

Theo ông Lưu Khánh Cường - một nông dân trồng chanh không hạt ở xã Lương Hòa (Bến Lức), mức giá chanh cao nhất trong vòng 10 năm qua là 25.000 - 26.000 đồng/kg tại vườn.

img

Anh Lưu Khánh Cường thu hoạch chanh bán cho doanh nghiệp bao tiêu.

Vụ chanh nghịch mùa này ông thu được hơn 5 tấn chanh không hạt. “Nông dân trồng chanh rất phần khởi với giá hiện nay”, ông cho biết.

Theo ông Cường, hiện Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ đang hối thúc ông thu hoạch chanh để bán với giá 25.000 - 26.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cư, ở xã Bình Đức cho biết, vừa bán 2,5 tấn chanh cho công ty thu mua với giá 25.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí ông lời 150 triệu đồng. “Việc được công ty bao tiêu sản phẩm đầu ra và giá tăng cao giúp nông dân an tâm sản xuất và không còn lo sợ về vấn đề đầu ra như trước đây”, ông Cư thổ lộ.

Mới đây, một thương nhân Trung Quốc lặn lội đến tận Long An đặt mua 10 tấn chanh. Tuy nhiên, thương nhân này đã phải thất vọng quay về nước khi giá chanh được nông dân chào bán ở mức 27.000 đồng/kg (loại 1 xuất khẩu).

img

 Việc giá chanh tăng cao kỷ lục đang khiến cho các nhà vườn rất phấn chấn

Chị Loan - chủ vựa thu mua chanh Nguyên Loan (Bến Lức) cho biết, thường khi có đơn đặt hàng lẻ mua chanh chị nhận ngay. Nhưng khoảng 1 tháng nay, khi chanh hút hàng và bán được giá, chị không nhận đơn đặt hàng lẻ nữa mà chỉ chuyên tâm đóng hàng cho công ty.

“Giờ vựa tui còn không đủ hàng đóng cho công ty xuất khẩu thì lấy đâu nhận đơn đặt hàng lẻ”, chị Loan bộc bạch.

Xây dựng chuỗi tiêu thụ

So với huyện Bến Lức - địa phương trồng chanh không hạt chủ lực của Long An, huyện Thạnh Hóa đi sau, về muộn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kinh Kha - Trưởng phòng NNPTNT huyện Thạnh Hóa, chỉ sau và năm trồng chanh giờ huyện có hơn 343ha chanh không hạt.

“Những năm gần đây, chanh được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Nhờ lợi nhuận từ cây chanh mà đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện được cải thiện rất tốt. Số diện tích chanh hiện nay chắc chắn sẽ chưa dừng lại”, ông Kha cho biết.

img

Tại Long An, diện tích chanh không hạt đang tăng nhanh do thời gian gần đây nhiều loại trái cây mất giá, trong khi chanh không hạt luôn có mức gía tốt nên nông dân chuyển sang trồng. 

Hiện, Phòng NNPTNT huyện đang tuyên truyền, vận động người trồng chanh thành lập, tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã và thay đổi phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nhất là đối với quả chanh không hạt.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thuận Bình (Thạnh Hóa) Bùi Văn Khắp cho biết, hiện HTX có 33 thành viên. Tổng diện tích đất trồng chanh không hạt là 76ha, trong đó, có 35ha được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. mỗi năm, HTX cung ứng từ 1.200 - 1.500 tấn chanh cho thị trường.

“Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp GAPFOOD đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 2.000 - 3.000 đồng/kg”, ông Khắp nói.

img

Nhiều nhà vườn trồng chanh đã xây dựng được mối liên kết tiêu thụ với các doang nghiệp thu mua nông sản

Trong khi đó, theo anh Nguyễn Văn Tươi - Tổ trưởng Tổ hợp tác Chanh không hạt (Bình Đức, Bến Lức), hiện tổ hợp tác (THT) đang có 4ha trồng chanh không hạt đã được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP.

“Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm của THT. Năm qua, THT cung ứng khoảng 120 tấn chanh, thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng/ha”, anh cho biết.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 9.500ha chanh không hạt, trong đó có hơn 7.400ha đang cho trái, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Thạnh Hóa.