Đây là một lễ hội văn hóa truyền thống có từ hàng trăm năm nay của ngư dân nơi đây.
Các tàu thuyền mở cửa biển đầu năm |
Đối với ngư dân Sa Huỳnh ngày lễ xuất hành có ý nghĩa hết sức đặc biệt, bởi lẽ với những người quanh năm lênh đênh trên sóng nước mênh mông của đại dương, đây chính là ngày mà ngư dân địa phương thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với biển khơi, đất, trời đã giúp họ bình yên trong những chuyến ra khơi mà thời gian kéo dài cả tháng; cầu mong cho năm đến mưa thuận, gió hòa tôm, cá được đầy khoang.
Được giao gánh vác trọng trách tổ chức ngày lễ này là Ban vạn, gồm những bậc cao niên, có uy tín của làng do những ngư dân “bầu”ra.
Sau khi xem ngày giờ tốt, ngư dân cùng với Ban vạn, Vạn trưởng tập trung về Lăng Ông Nam Hải để hành lễ. Sau phần nghi lễ ở lăng chính, mọi người cùng rước đèn đi đến Dinh bà Thiên Ya Na Viễn ngọc Phi thượng Đẳng thần - người người trông coi cửa biển và Dinh Bà Thuỷ - người quản lý biển để báo và xin phép cho ngư dân hành nghề.
Đến phần xuất hành, tất cả các tàu thuyền ở Sa Huỳnh phải tuân thủ theo một qui tắc “bất thành văn” đó là tàu của Vạn trưởng sẽ chạy ra cửa đầu tiên, rồi mới đến những chiếc khác.
Người dân đội mưa để xem lễ xuất hành |
Trò chuyện với chúng tôi về vụ đánh bắt năm 2011 vừa qua, ông Nguyễn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, cho biết: Toàn xã hiện có gần 870 chiếc tàu, với tổng công suất khoảng 125.300 Cv, tăng gần 130 chiếc so với năm trước, trong đó tàu có công suất trên 90 Cv gần 470 chiếc. Vụ đánh bắt năm 2011, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thế nhưng tổng sản lượng hải sản đánh bắt đạt 38.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm trước.
Nhiều ngư dân đã thu về nhiều tỉ đồng sau một vụ đánh bắt, như trường hợp của chủ tàu Trần Đức Minh (48 tuổi). Với 4 tàu hành nghề lưới kéo, vụ đánh bắt năm 2011, tổng thu của chủ tàu Minh đạt khoảng 7 tỉ đồng, trừ chi phí còn lại khoảng 3 tỉ đồng.
Được biết cùng với lễ, những hoạt động của phần hội trong Lễ xuất hành cũng đã dần dần được khôi phục như: Đua ghe truyền thống và các hoạt động vui chơi khác.
Công Xuân