HĐQT Eximbank (HOSE: EIB) mới đây đã công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 diễn ra vào 26.4 tới đây với các chỉ tiêu kinh doanh được xây dựng cho năm 2019 trên cơ sở đều tăng so với năm trước. Đặc biệt là chỉ tiêu thu hồi nợ xấu để làm tiền đề đưa tỷ lệ nợ xấu nội bản và nợ bán cho VAMC về dưới 3% vào năm 2020.
Trở lại câu lạc bộ nghìn tỷ lợi nhuận, không được chia cổ tức
Cụ thể, năm 2019, Eximbank dự kiến nâng tổng tài sản của ngân hàng lên 181 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18,6% so với năm 2018; Huy động vốn tăng 21% lên 143.500 tỷ; Dư nợ cấp tín dụng tăng 11%; Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế trước trích bổ sung theo dự phòng trái phiếu VAMC theo thông tư 08/2016/TT-NHNN là 2.000 tỷ, tăng trưởng tới 49% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế 1.077 tỷ đồng, tăng 30% so với thực hiện năm 2018. Nếu mục tiêu này thành công, năm 2018, Eximbank sẽ có mặt trong danh sách ngân hàng lợi nhuận nghìn tỷ sau nhiều năm vắng bóng.
Năm 2019, Eximbank đặt trọng tâm vào công tác huy động vốn từ thị trường 1. Tập trung huy động vốn không kỳ hạn (CASA) từ phân khúc khách hàng lớn đối với những khu vực có tiềm năng. Triển khai các chính sách, sản phấm huy động vốn hướng đến nhóm khách hàng có quy mô trung bình và nhỏ nhằm đảm bảo sự ổn định về nguồn vốn.
Về hoạt động tín dụng, EIB tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán…
Cũng tại tài liệu ĐHCĐ năm 2019, đánh giá về tình hình hoạt động Eximbank năm 2018 vừa qua, HĐQT Eximbank cho rằng, hoạt động của ngân hàng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử phát triển.
Kết thúc năm 2018, Eximbank có tổng tài sản 152.652 tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2017 và chỉ bằng 86% chỉ tiêu kế hoạch. Tình hình huy động vốn đạt 80% kế hoạch, tổng dư nợ cấp tín dụng bằng 92%. Lợi nhuận trước thuế 827 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu 1,85%. Lợi nhuận sau thuế 660 tỷ đồng.
“Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng năm 2018 của Eximbank chưa thật sự bứt phá so với năm 2017, do có nhiều khó khăn trong công tác huy động vốn và tăng trưởng tín dụng do ảnh hưởng của các vấn đề tiền gửi của khách hàng và Eximbank phải tập trung xử lý tồn tại cũ”, tài liệu nêu rõ.
Đồng thời, năm 2018 Eximbank không được thực hiện chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán theo quy định tại Thông tư 08/2016/TT-NHNN.
Báo cáo nêu: “Tổ chức tín dụng được NHNN chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán.”. Eximbank được NHNN chấp thuận tổng thời gian gia hạn và thời gian gốc là 10 năm kể từ ngày phát hành đối với các trái phiếu đặc biệt phát hành từ năm 2015 trở về trước. Các trái phiếu này đến cuối năm 2018 chưa được thanh toán hết. Do đó, Eximbank không được thực hiện chia cổ tức cho năm tài chính 2018”.
Tính đến cuối năm 2018, lợi nhuận chưa phân phối của Eximbank là 704 tỷ đồng.
Ngoài ra, HĐQT Eximbank cũng cập nhật một số nội dung chính tại các Kết luận thanh tra tại Hội sở. Chẳng hạn, hồ sơ Eximland đã chuyển cho cơ quan chức năng có thẩm quyền và đề nghị xem xét trách nhiệm cụ thể.
Đối với khoản thu hồi thù lao HĐQT, BKS đã chi thừa qua các năm từ 2013 – 2015, theo kiến nghị của Thanh tra, Eximbank phải thu hồi tổng số tiền gần 81 tỷ đồng, đến nay đã thu hồi được hơn 20 đồng và Eximbank đã ký hợp đồng tư vấn với Luật sư để tiếp tục thực hiện việc thu hồi.
Về tiến độ triển khai dự án số 07 Lê Thị Hồng Gấm, Eximbank đã thực hiện rà soát lại dự án với mục tiêu lựa chọn đối tác tốt nhất. Ngân hàng đã thuê Công ty Savills Việt Nam tư vấn và tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án.
Hiện Savills đã gửi cho Eximbank bảng đánh giá đề xuất của 03 nhà đầu tư tiềm năng. Eximbank đang thực hiện các thủ tục nhằm lựa chọn nhà đầu tư để tối ưu hóa việc đầu tư và sử dụng tài sản của ngân hàng.
Mục tiêu nghìn tỷ giữa tâm bão nhân sự cấp cao
Nhiều năm sau khi ông Lê Hùng Dũng rời Eximbank, Eximbank vẫn ở trong tình trạng kinh doanh trồi sụt, nhân sự cấp cao thay đổi liên tục và chìm trong mâu thuẫn nội bộ. Vừa qua, cuộc chiến quyền lực tại Eximbank lại nóng lên khi bà Lương Thị Cẩm Tú (người cũ của NamABank) được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT và những xung đột trong cuộc chiến tranh giành quyền lực tại ngân hàng này dường như chưa có dấu hiệu kết thúc.
Bắt đầu từ Đại hội Đại cổ đông 2015, ông Lê Hùng Dũng rút khỏi ghế chủ tịch HĐQT. Và mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh giữa các nhóm cổ đông của Eximbank khi chọn thêm người vào ban quản trị.
Thời điểm này, NamABank đã cử người tham gia ứng cử vào thành viên HĐQT của Eximbank, làm dấy lên nghi vấn Eximbank sẽ sáp nhập NamABank (Ngân hàng Nam Á).
Câu chuyên tranh giành ghế vào HĐQT Eximbank thực sự lan rộng sau khi ĐHCĐ năm 2016 bất thành cũng bởi những xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông. Tình hình chỉ tạm thời êm dịu khi ĐHCĐ năm 2017, đa số các tờ trình đã được thông qua.
Theo tìm hiểu, ông Lê Minh Quốc trúng cử vào HĐQT ngân hàng Eximbank vào tháng 12.2015 với tư cách là thành viên HĐQT độc lập. Tiếp đó, ông Quốc được bầu giữ chức danh Chủ tịch HĐQT từ cuối năm 2015 cho đến khi xuất hiện vụ việc lùm xùm "thay tướng".
Nội chiến tranh giành quyền lực tại Eximbank chưa có dấu hiệu kết thúc
Ngày 22.3, Cựu CEO của NamABank là bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc. Tuy nhiên, sau đó không lâu, ông Lê Minh Quốc đã lên tiếng tố rằng quy trình này của Eximbank không đúng pháp luật và điều lệ. Ông Quốc khẳng định vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank. Đồng thời, ông Quốc có đơn đề nghị biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu dừng thực hiện nghị quyết này.
Ngày 27.3, Toà án nhân dân TP HCM đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp, yêu cầu Eximbank tạm dừng việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT Lương Thị Cẩm Tú.
Đáp lại, Eximbank lên tiếng cho rằng, đã thực hiện quy trình miễn nhiệm và bổ nhiệm đúng luật. Ngân hàng này đã gửi đơn kiến nghị hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.
Những “lùm xùm” trong việc bầu tân Chủ tịch HĐQT Lương Thị Cẩm Tú tại Eximbank vừa qua là minh chứng cho thấy, vấn đề về nhân sự cấp cao tại nhà băng này luôn là điểm nóng không chỉ trước đây mà còn kéo dài cho tới thời điểm hiện tại.
Tranh cãi "nảy lửa" tại một cuộc họp của Eximbank. Ảnh: VNN.
Cũng kể từ khi cựu chủ tịch Eximbank là ông Lê Đình Dũng rút lui vào năm 2015, những mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông đã khiến Eximbank tiếp tục “vùng vẫy” trong khó khăn, lợi nhuận trồi sụt. Trong khi đó, liên tiếp xảy ra các vụ mất tiền trăm tỷ trong tài khoản của khách hàng do chính nhân viên chiếm đoạt.
Với những diễn biến hiện tại, nhiều khả năng ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 vào ngày 26.4 tới đây của Eximbank sẽ tiếp tục “kịch tính” với những vấn đề xoay quanh nhân sự cấp cao cũng như mục tiêu trở lại “câu lạc bộ nghìn tỷ lợi nhuận” của Eximbank trong năm 2019.