"Tắc nghẽn" luồng Vũng Áng
Cảng biển Hà Tĩnh từng được đánh giá là một trong những Cảng sẽ đem lại hiệu quả trong việc phát kinh tế các tỉnh miền Trung, được đưa vào khai thác sử dụng ngày 30.11.2012. Sau nhiều năm khai thác, cảng Hà Tĩnh đang có nguy cơ tắc nghẽn các luồng tuyến chuyên dùng để phục vụ các dự án cảng xăng dầu và các nhà máy nhiệt điện.
Cảng Hà Tĩnh có nguy cơ "tắc nghẽn".
Theo Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang, nhằm thuận lợi cho tàu thuyền hành hải, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải tại khu vực, đơn vị đã chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh tổ chức nghiên cứu, thiết lập lại tuyến luồng hàng hải quốc gia vào khu bến cảng Vũng Áng.
Cảng Hà Tĩnh nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thổng cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh ngày 24.6.2014, được kỳ vọng là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (Loại I).
Trong đó, khu bến Vũng Áng là khu bến cảng tổng hợp có bến chuyên dùng phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Vũng Áng và là một đầu mối cửa ngõ tiếp chuyển hàng quá cảnh cho Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Tuyến luồng này tiếp nhận các tàu trọng tải 30.000 - 50.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU; bến chuyên dùng nhập than cho tàu 30.000 - 100.000 tấn ở phía Bắc, bến xuất nhập sản phầm dầu cho tàu đến 15.000 tấn ở phía Nam khu bến tổng hợp.
Mặc dù, được nâng cấp thành luồng quốc gia, nằm trong những khu vực phát triển sôi động trong các nhóm cảng biển khu vực miền Trung, nhưng luồng Vũng Áng chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức dẫn tới nhiều hệ luỵ phát sinh có nguy cơ tắc nghẽn luồng tuyến.
Lo ngại trước nguy cơ luồng tuyến bị nghẽn, ông Trương Minh Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, cho biết “Nguy cơ bị nghẽn luồng tuyến là do 3 năm gần đây, tuyến luồng Vũng Áng chưa được nạo vét, dù có độ sâu tự nhiên khá tốt từ -13,5m đến -17m, nhưng hiện đang bị bồi lắng nghiêm trọng”.
“Nguyên nhân dẫn tới việc này là do chưa tìm điểm đổ thải để thực hiện nạo vét dẫn tới việc nào vét vẫn chưa được triển khai, trong khi nguồn vốn đã đủ. Do luồng tuyến bị bồi lắng một số lượt tàu phải neo chờ ngoài xa để làm hàng (có nhiều tàu phải neo chờ gần 1 tháng), gây khó khăn trong kinh doanh cho doanh nghiệp Cảng’, ông Tuấn chỉ ra nguyên nhân.
Luồng tuyến Vũng Áng chưa được nạo vét trong 3 năm qua.
Cảng số 3 Vũng Áng Việt – Lào chưa thể khai thác
Đáng chú ý, đơn vị bị ảnh hưởng nhiều nhất do các luồng tuyến chưa được ạo vét là Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt. Sau 12 tháng thi công, khối lượng Cầu cảng số 3 của Công ty này đã hoàn thành đạt gần 70% giá trị hợp đồng, đảm bảo an toàn, chất lượng. Tuy nhiên, việc đưa vào khai thác bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc nạo vét luồng tuyến bị chậm chễ.
Thông tin về việc này, ông Nguyễn Duy Linh, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào – Việt, cho biết hiện nay, một số hạng mục như thi công cọc khoan nhồi đã hoàn thành 100% khối lượng, vượt tiến độ hơn 3 tháng; kè gầm bến đạt 70,7% khối lượng; các hạng mục như dầm cầu, bản mặt cầu... đều đạt và vượt tiến độ đề ra.
“Đây là Cầu cảng rất quan trọng nhằm “giảm tải” cho các cầu cảng số 1, số 2 đã và đang quá tải. Khi đưa vào sử dụng, các tàu có thể neo chờ trực tiếp tại bến số 3 để bốc hàng mà không phải đợi ở ngoài luồng", ông Linh nói.
Ông Linh cho biết thêm: “Tổng mức đầu tư 2 giai đoạn của cảng số 3 này là 1.000 tỷ đồng, có khả năng tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 45.000 DWT, công suất thiết kế đạt 1,7 triệu tấn/năm. Dự kiến, đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành”.
Như vậy, đến cuối năm 2019, sẽ có 3 bến cảng tại Cảng Vũng Áng được đưa vào sử dụng, cùng đó, các bến cảng số 4, số 5 đang xây dựng sẽ đưa cụm cảng này đạt công suất rất lớn với lượng tàu ra vào nhiều.
Tuy nhiên, với việc chưa bố trí điểm đổ thải nạo vét như hiện nay, tuyến luồng Vũng Áng sẽ là “điểm nghẽn” khiến các doanh nghiệp khai thác Cảng bị ảnh hưởng. Qua đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần sớm phối hợp cùng Bộ GTVT, Bộ Tài Nguyên và Môi trường sớm tìm điểm đổ thải, thực hiện nạo vét luồng Vũng Áng.