“Đây là HTX bò thịt đầu tiên của tỉnh Long An. Vì chưa có tiền lệ nên việc vận động, tuyên truyền xây dựng HTX mất nhiều thời gian và khó khăn”, bà Khanh cho biết. Theo bà Khanh, hiện HTX Hòa Khánh Đông có 21 thành viên.
“Các thành viên HTX vẫn chưa quen với việc liên kết xây dựng chuỗi, chưa thống nhất việc đóng góp tài chính… Hiện, HTX đang củng cố phương án kinh doanh”, bà Khanh nói.
Chăn nuôi bò thịt ở Long An còn nhiều khó khăn
Tỉnh Long An đang thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp với “3 cây trồng (rau, thanh long, lúa), 1 vật nuôi (con bò)”.
Theo Sở NNNPTNT tỉnh Long An, hiện tổng đàn bò thịt của tỉnh hơn 117.000 con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 4.600 tấn. Việc nuôi bò thịt tập trung tại 2 huyện: Đức Hòa (hơn 64.500 con) và Đức Huệ (gần 12.000 con), chiếm khoảng 65% tổng đàn bò thịt của tỉnh.
Tỉnh đặt mục tiêu xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ, đến năm 2020, tăng khoảng 5.000 con bò hướng thịt, trong đó có trên 3.500 - 4.000 con bò hướng thịt chất lượng cao.
Nông dân tận dụng bờ ruộng để trồng cỏ nuôi bò.
Tại các mô hình điểm, hộ chăn nuôi được hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi: tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn gieo trồng thâm canh các giống cỏ có năng suất và chất lượng cao, nâng cấp và điều chỉnh kết cấu chuồng trại thích hợp quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học,...; hỗ trợ trang thiết bị phục vụ chăn nuôi: máy trộn TMR, máy băm cỏ, hệ thống làm mát,...
Bên cạnh đó, Sở NNPTNT tỉnh còn tổ chức hội nghị kết nối chuỗi sản phẩm thịt bò công nghệ cao, hội nghị xúc tiến thương mại sản phẩm thịt bò công nghệ cao, trong đó tổ chức đoàn công tác xúc tiến thương mại kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm bò thịt tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (TP.HCM); thực hiện các chính sách mời gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm thịt bò sạch của các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện Đức Hòa, Đức Huệ.