Theo Bộ Công Thương, từ giữa năm 2018 đến nay, có hàng loạt các dự án điện mặt trời được khởi công và năm 2019 sẽ hòa lưới điện quốc gia, cung cấp thêm khoảng 2.200 MWp điện sạch. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại tỉnh Ninh Thuận.
Được xem là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, tỉnh Ninh Thuận đang có hàng loạt dự án điện mặt trời "khủng", với tiềm năng phát triển bậc nhất khu vực Nam miền Trung. Đến nay tại Ninh Thuận đã khởi công hơn 10 dự án điện mặt trời, với tổng vốn đầu tư trên 20.884 tỷ đồng, tất cả đều đi vào hoạt động trong năm 2019.
Hàng loạt dự án sắp phát điện
Tại Ninh Thuận giờ đi đến đâu cũng gặp điện mặt trời. Các dự án đang gấp rút hoàn thành để đi vào hoạt động. Có thể kể đến các nhà máy như:
Nhà máy điện mặt trời CMX Renewable Việt Nam của Công ty Cổ phần Điện mặt trời Re Sun Seap Việt Nam, tại xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận). Có công suất 168 MWp, vốn đầu tư 4.398 tỷ đồng. Đã khởi công xây dựng từ tháng 7.2018, dự kiến hoàn thành và phát điện thương mại vào 5.2019.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang, đặt tại xã Hữu Phước, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Công suất 50 MWp, tổng vốn 1.425 tỷ đồng. Khởi công tháng 4.2018 và đưa vào vận hành trong tháng 4.2019.
Dự án Trang trại điện mặt trời Gelex Ninh Thuận của Tổng Công ty Cổ phần thiết bị điện Việt Nam, xây dựng tại xã Phước Dinh, Thuận Nam (Ninh Thuận). Công suất 50MWp, tổng vốn đầu tư 1.235 tỷ đồng. Khởi công từ quý III/2018 và đưa vào vận hành trong tháng 4.2019.
Nhà máy điện mặt trời Nhị Hà của Công ty TNHH MTV Solar Power Ninh Thuận, xây dựng tại xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam. Công suất 50MWp, tổng vốn đầu tư 1.296 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện: Khởi công tháng 5.2018 và đưa vào vận hành trong tháng 5.2019.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam của Công ty cổ phần Điện Mặt trời Trung Nam, xây dựng tại xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc. Công suất 204 MWp, tổng vốn 4.989 tỷ đồng. Khởi công tháng 7.2018 và đưa vào vận hành trong tháng 6.2019.
Lớn nhất Đông Nam Á
Tuy nhiên, tại Ninh Thuận còn dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á –Công ty năng lượng BIM Energydo Tập đoàn BIM Group và đối tác AC Energy- thuộc Tập đoàn Ayala (Philippines) là chủ đầu tư và Bouygues Energies & Services (Pháp) là nhà thầu chính. AC Energy là một trong những công ty năng lượng phát triển nhanh nhất với hơn 1 tỷ đô vốn đầu tư về năng lượng tái tạo và nhiệt tại Philippines và trong khu vực. Trong khi đó, Bouygues Energies & Services cũng là một trong những nhà thầu EPC lớn nhất thế giới, phát triển, lắp đặt hơn 1,5 GWp trên toàn thế giới trong mảng năng lượng.
Tháng 10.2018, BIM Group và AC Energy đã kí hợp đồng EPC với công suất 330 MWp. Đến cuối năm 2018, BIM Group đã hoàn thành hợp đồng mua bán điện với EVN cho các nhà máy điện mặt trời BIM1, BIM 2 và BIM 3.
Đây là dự án trọng điểm của Ninh Thuận về phát triển năng lượng điện tái tạo. Dự án sẽ hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia từ cuối quý 2.2019. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nhà máy điện năng lượng mặt trời lớn nhất khu vực Đông Nam Á, dự kiến mang lại sản lượng điện hàng năm lên đến 545 triệu kWh. Có tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD, BIM Group quyết tâm đưa nhà máy sớm đi vào hoạt động, với mục tiêu hình thành khu trang trại năng lượng sạch lớn nhất Việt Nam, quy mô trên 300MWp tại đây trong năm 2019.
Có thể nói, sau gần 2 năm triển khai Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, đã tạo ra “cú hích” với hàng loạt dự án đầu tư sắp đi vào hoạt động.
Nhờ những ưu đãi như: miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa, để tạo tài sản cố định cho dự án; giảm tiền sử dụng đất; tiền thuê đất; tiền thuê mặt nước và cam kết mua điện giá trên 2.000 đồng/kWh… đã mang đến sức hấp dẫn cho lĩnh vực đầu tư năng lượng điện mặt trời.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến nay cả nước có hơn 330 dự án điện mặt trời đã và đang chờ phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch điện. Trong đó, 121 dự án đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến năm 2020 là 6.100 MW và 2030 là 7.200 MW.
Riêng tỉnh Ninh Thuận, nếu tính các nhà máy điện mặt trời đã ký và đang đàm phán hợp đồng mua bán điện, thì tổng công suất điện mặt trời riêng đã đạt 1.047,32 MWp. Con số này cũng vượt xa Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, trong đó định hướng tới 2020 công suất điện mặt trời cả nước đạt 850 MW và tăng lên 4.000 MW vào năm 2025.
Kinh tế phát triển nhanh chóng khiến Việt Nam đứng trước sức ép về nhu cầu năng lượng tăng cao. Việt Nam đang hướng đến cơ cấu năng lượng cân bằng thông qua việc phát triển năng lượng tái tạo. Trong đó, năng lượng mặt trời đang trở thành xu hướng, nhất là khi chi phí công nghệ giảm mạnh và việc chuyển hướng sang sử dụng năng lượng tái tạo đang lan tỏa khắp thế giới.