Dân Việt

Lạng Sơn: Chi 900 triệu để "hữu cơ hóa" loài cây ra hoa thơm lừng

Chang Liễu 19/04/2019 06:15 GMT+7
Văn Quan là huyện miền núi, nằm ở phía tây tỉnh Lạng Sơn và cách TP.Lạng Sơn 30km, trên trục đường quốc lộ 1B từ Lạng Sơn đi Thái Nguyên. Nơi đây có tài nguyên thiên nhiên phong phú là những cánh rừng hồi bạt ngàn, ra hoa thơm lừng, được ví như "mỏ vàng xanh" của đồng bào các dân tộc ở đây. Chính từ giá trị mà loại cây này mang lại, tỉnh Lạng Sơn đã luôn quan tâm đầu tư phát triển cây hồi góp phần giúp dân xóa đói giảm nghèo.

Hoa hồi-cây giúp dân xóa nghèo

Lạng Sơn hiện là nơi có diện tích và sản lượng cây hoa hồi lớn nhất cả nước. Chất lượng hoa hồi xứ Lạng không những nức tiếng trong nước mà còn được thế giới biết đến. Tính đến nay, tổng diện tích hoa hồi ở Lạng Sơn có khoảng 35.000ha, phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất tại các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Chi Lăng, Cao Lộc… Trong đó riêng 2 huyện Văn Quan và Bình Gia đã chiếm tới 56% diện tích cây hồi toàn tỉnh.

img

Cây hoa hồi được ví như "mỏ vàng xanh" của người dân xứ Lạng.

Đến Văn Quan vào những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh những người dân địa phương đang tất bật trên những cánh đồng phơi hoa hồi. Bắt chuyến xe từ thành phố về nơi có “mỏ vàng xanh”, xe mới qua cầu Khánh Khê, chúng tôi đã thấy thoang thoảng hương hồi thơm dịu.

Đi sâu vào khu vực trung tâm huyện dọc hai bên đường, ở đâu có bãi đất trống là ở đó có những luống hoa hồi đang được phơi khô. Thu nhập từ cây hoa hồi chiếm tỷ trọng khá cao khoảng 400- 450 tỷ đồng/năm, người dân đã ý thức được giá trị kinh tế của cây hồi, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Diện tích rừng cây hoa hồi ở huyện Văn Quan ngày càng được mở rộng, sản lượng hồi ngày càng được nâng cao. Tổng sản lượng quả hồi khô của huyện đạt 7.000 -10.000 tấn/năm, tổng doanh thu các sản phẩm từ hồi đạt 400- 450 tỷ đồng/năm.

Được biết  năm 2018, thực hiện mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, huyện Văn Quan được phân bổ 2.650 tỷ đồng. Trong đó riêng mô hình sản xuất hồi hoa hữu cơ tại xã Vân Mộng được hỗ trợ với tổng vốn 900 triệu đồng đã bước đầu được triển khai thực hiện.

img

Rừng hồi bạt ngàn đem về thu nhập cao cho bà con nông dân.

Bà Nguyễn Thị Hoan, một hộ gia đình tham gia Dự án sản xuất hồi hữu cơ tại xã Vân Mộng cho biết, trước đây rừng hồi lúc nào cũng rập rạp vì gia đình không có thời gian và điều kiện để thuê người phát quang. Do đó năng suất hồi phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, không có quá trình chăm sóc, tỉa tán tạo cành hoặc bón phân.

"Gia đình tôi cũng mới biết đến quy trình sản xuất hồi hữu cơ. Hiện tại gia đình có 2ha hồi thuộc dự án. Người dân chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn nhờ đó mới biết sản xuất hồi hoa hữu cơ là như thế nào. Biết được quy trình chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản hồi sao cho đúng chuẩn và đảm bảo chất lượng tinh dầu hồi," bà Hoan nói. 

Sản xuất hồi hữu cơ

Trao đổi với Dân Việt, Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết, để mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất hoa hồi hữu cơ có hiệu quả, phòng phối hợp với UBND các xã lựa chọn dự án, mô hình phát triển sản xuất phù hợp với kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp và quy hoạch phát triển kinh tế –  xã hội của huyện giai đoạn 2011-2020. Dự án sản xuất hồi hữu cơ được triển khai bắt đầu từ năm 2018 đến nay cho thấy những hiệu quả bước đầu, người dân có sự thay đổi lớn trong tập quán trồng và chăm sóc cây hồi.

img

Tham gia dự án, người dân được tham gia tập huấn, được hỗ trợ phân bón chuyên cho cây hồi theo quy trình sản xuất hồi hữu cơ.

Được biết, Dự án hồi hữu cơ được triển khai tại xã Vân Mộng có diện tích 85ha cùng với sự tham gia của 56 hộ gia đình. Ngoài ra dự án cũng được triển khai tại xã Yên Phúc với diện tích 100ha. Khi tham gia dự án người dân sẽ được tham gia các lớp tập huấn về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản... theo quy trình organic.

img

Bà Hoan và hơn 50 hộ gia đình khác tại xã Vân Mông đã tham gia vào dự án sản xuất hồi hữu cơ.

Theo ông Sáng, người dân tham gia dự án phải tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc hóa học trên cây hồi, không bón phân hóa học, phải tiến hành phát quang, tạo tán tỉa cảnh đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt. Đồng thời mỗi diện tích rừng hồi tham gia dự án đều có cắm biển đeo số cho cây.

Khi tham gia vào dự án ý thức chăm sóc rừng hồi của người dân được nâng lên, người dân có thói quen phát quang tạo tán tỉa cành cho cây hồi không để rậm rạp cỏ dại “phó mặc cho trời” như trước đây. Nhiều hộ dân không tham gia dự án cũng tự giác phát quang rừng hồi của gia đình tạo cảnh quan rừng hồi thêm đẹp và thêm năng suất.

"Tham gia dự án người dân phải ghi chép rõ ràng thời gian bón phân, chăm sóc định kỳ, quản lý tốt khâu thu hoạch nhờ đó nắm rõ được năng suất qua mỗi mùa vụ hồi. Người dân biết được quy trình sản xuất hồi hữu cơ, không sử dựng thuốc hóa học trong sản xuất nhờ vậy năng suất cũng như mẫu mã hoa hồi đẹp và to hơn so với hồi bình thường. Từ đó mà hồi hữu cơ thuộc dự án sau khi thu hái sẽ được bao tiêu đầu ra với giá cao hơn giá thị trường”, ông Sáng nói.

img

Ý thức cũng như phương thức chăm sóc rừng hồi của người dân thay đổi. Từ đó hồi được chăm sóc, tỉa tán tạo cành, bón phân nên chất lượng hoa hồi tốt hơn, năng suất và giá thành cao hơn.

Ngoài ra mỗi hộ tham gia dự án sẽ được hỗ trợ phân bón, chi phí phát quang rừng hồi, thang trèo hái để tránh tai nạn lao động. Trong những năm qua, nguồn thu nhập từ cây hồi giúp người dân nơi đây nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, sản phẩm hoa hồi đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) công bố là tài sản Quốc gia. Đây là thuận lợi để đầu tư phát triển cây hồi tại huyện Văn Quan nói riêng và của tỉnh Lạng Sơn nói chung.

Sản phẩm hoa hồi có giá trị kinh tế cao đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: dược liệu, hương liệu, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ... Thị trường tiêu thụ rộng của hoa hồi Lạng Sơn lớn như thị trường Mỹ, các nước Châu âu, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, một số nước Đông Nam Á. Hằng năm, Lạng Sơn bán ra hàng chục nghìn tấn hồi khô và hàng nghìn tấn tinh dầu hồi. Vốn đầu tư trồng hồi ban đầu tuy cao nhưng giá trị hưởng lợi lâu dài, có thể thu hái hàng chục năm.