Dân Việt

Đắk Lắk: Người dân hủy hoại tài sản của DN để đòi đất dù… biết sai

Duy Hậu 19/04/2019 13:46 GMT+7
Mặc dù tự nhận hành vi của mình là sai nhưng hàng chục hộ dân vẫn cản trở hoạt động của doanh nghiệp để giành đất. Sự việc kéo dài đã lâu nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái dứt khoát.

Từ năm 2018 đến nay, hàng chục hộ dân ở buôn Dlie, xã Đắk Nuê, huyện Lắk (Đắk Lắk) đã liên tục kéo đến tiểu khu 1408 để chặt phá cao su, ngăn cản Công ty Agrilak tổ chức trồng rừng trên diện tích liên kết với Công ty Lâm nghiệp Lắk.

img

Nhiều ngày qua, người dân liên tục ngăn cản Công ty Agrilak tổ chức sản xuất.

Theo đơn gửi các cơ quan chức năng, cuối tháng 5 năm 2018, gần 50 ha cao su trồng năm 2013 của đơn vị đã bị người dân chặt phá. Mặc dù đây là diện tích đất liên kết hợp pháp của mình, nhưng Công ty Agrilak vẫn cắt 38,3ha trả về cho địa phương để giải quyết vến đề an sinh, xã hội, chỉ để hơn 10ha (đã bị chặt phá cao su) để trồng lại rừng.

Tuy nhiên, qua 3 lần tổ chức trồng lại, toàn bộ diện tích này vẫn tiếp tục bị phá sạch. Từ ngày 4.2 đến nay, người dân tiếp tục chặt phát 7ha cao su trồng năm 2013 và 0,6ha keo trồng năm 2017 của Công ty Agrilak.

Đáng chú ý, từ ngày 11.4 đến ngày 17.4, hàng chục hộ dân đã liên tục kéo đến để ngăn cản Công ty Agrilak tổ chức trồng lại rừng. Ông Lê Bá Phúc Sinh, Giám đốc Công ty Agrilak, cho biết, người dân thường xuyên mang theo hung khí hăm dọa, đánh đập khiến công nhân của đơn vị không ai dám bén mảng tới khu vực trên. Tính đến nay, tài sản của công ty đã bị thiệt hại trên 5 tỷ đồng.

Một người dân tham gia ngăn cản hoạt động của Công ty Agrilak thừa nhận với phóng viên: “Người dân trong buôn thiếu đất sản xuất, nghèo đói nên kéo ra để yêu cầu cơ quan chức năng sớm cấp đất cho chúng tôi sinh sống. Chúng tôi biết việc làm của mình là sai nhưng không còn cách nào khác”.

img

Mặc dù được vận động, nhắc nhở nhưng nhiều đối tượng quá khích vẫn đập phá tài sản của Công ty Agrilak.

Trước diễn biến phức tạp tại đây, ngày 17.4, đích thân Bí thư Huyện ủy Lắk đã phải cùng cơ quan công an đến hiện trường để vận động dân. Mặc dù vậy, nhiều người quá khích vẫn giật lều trại của doanh nghiệp, gom cây đã chặt trước đó đem đốt.

Đến khi công an khống chế các đối tượng quá khích đưa về trụ sở làm việc và được sự giải thích của đoàn công tác, trưa cùng ngày người dân mới chịu ra về.

Bí thư Huyện ủy Lắk, ông Đỗ Quốc Hương, cho biết, đã chỉ đạo các đoàn thể tiếp tục bám sát địa bàn, tổ chức các buổi tiếp xúc để giải thích cho người dân không được có những hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo công an huyện khẩn trương làm rõ các đối tượng phá hoại tài sản để xử lý nghiêm theo quy định.

Theo một lãnh đạo Huyện ủy Lắk, không phải người dân nào ở buôn Dlie cũng thiếu đất. Nhiều người dân đã được cấp đất nhưng đã bán đi. Do đó, địa phương đang rà soát để bố trí hơn 38ha đã thu hồi của Công ty Agrilak cho những hộ dân thực sự thiếu đất sản xuất.

“Tình hình người dân tranh chấp, chặt phá cây trồng của doanh nghiệp đã kéo dài nhưng chưa được chính quyền xử lý quyết liệt, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Giao ban quý nào tôi cũng đề cập đến vấn đề này nhưng các bộ phận chuyên môn của UBND huyện chưa quyết liệt xử lý, ngại va chạm nên để sự việc kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự” - lãnh đạo này nói.

img

Nhiều diện tích cây trồng của Công ty Agrilak bị dân chặt phá.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Trung, Chánh văn phòng UBND huyện Lắk, cho biết, hiện lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc điều tra. Về việc xử lý tình trạng thiếu đất (theo người dân phản ánh), ông Trung cho biết chưa nắm được diễn biến mới do đang nghỉ phép.

Theo một lãnh đạo Công an huyện Lắk, cơ quan công an vừa khôi phục điều tra và khởi tố 5 vụ án hủy hoại tài sản của Công ty Agrilak. Bước đầu công an đã xác định có 23 đối tượng đã tham gia phá hoại gần 700 cây cao su trên diện tích 3,1 ha với tổng thiệt hại 123 triệu đồng. Công an huyện cũng đang xem xét để khởi tố 5 đối tượng cầm đầu và tiếp tục điều tra xử lý các đối tượng có liên quan.