Dân Việt

Xe công nghệ phải "gắn mào" như taxi: Tài xế, người dùng than trời!

Tuấn Phong 18/04/2019 11:24 GMT+7
Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014 vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ. Điều này tiếp tục nhận nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có việc buộc xe công nghệ bao gồm “xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng” và “xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử” phải “đeo mào” bằng cách gắn hộp đèn trên nóc.

Trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 lần thứ 8 vừa trình Chính phủ, Bộ GTVT quy định taxi được phân chia thành 2 loại, có đồng hồ tính tiền và sử dụng phần mềm để tính tiền. Với xe gắn đồng hồ thì phải xuất hóa đơn cho khách theo hành trình. Cả 2 loại taxi này là phải có phù hiệu “TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt kính trước của xe, có hộp đèn chữ “TAXI” gắn cố định trước nóc xe, kích thước tối thiểu 15x20 cm.

Đối với việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, các xe này phải niêm yết chữ “XE HỢP ĐỒNG” ở trên kính trước và kính phía sau xe theo quy định. Ngoài ra, “XE HỢP ĐỒNG” cũng phải có bảng điện tử gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 15x20 cm và phải được bật sáng khi tham gia giao thông.

Đối chiếu quy định trong dự thảo này thì các hãng gọi xe công nghệ hiện nay như Go-Viet, Grab, FastGo, Be… đều phải đăng ký là doanh nghiệp vận tải. Nếu các doanh nghiệp này hoạt động như taxi sẽ áp dụng quy định như taxi, còn nếu hoạt động như xe hợp đồng sẽ phải áp dụng quy định như vậy. Dù ở trường hợp nào, các xe này đều phải gắn mào khi hoạt động.

img

Tài xế và người dùng cho rằng yêu cầu gắn mào xe hợp đồng là không cần thiết.

Thông tin này, nhanh chóng nhận được sự quan tâm của giới tài xế chạy xe công nghệ. Anh Trần Hữu Dũng - chạy xe công nghệ Grab cho biết, anh làm việc ở một công ty trên địa bàn quận Cầu Giấy, nhà có chiếc ô tô 4 chỗ nên sau khi tan làm anh tranh thủ những lúc rảnh rỗi mở ứng dụng để chạy "Grab car" kiếm thêm thu nhập

Ngay sau khi nhận được thông tin này, không chỉ anh và nhiều anh em "tranh thủ" thời gian rảnh kiêm thêm lái xe công nghệ đều than: "Bộ GTVT đang làm khó và đánh đồng người chạy xe công nghệ với giới chạy xe taxi truyền thống".

"Chúng tôi chỉ tranh thủ thời gian rảnh rỗi tham gia đăng kí với Grab lấy dịch vụ để kiếm thêm thu nhập chứ không hề muốn chiếc xe của mình bị “taxi hóa” bằng cách gắn thêm hộp đèn", anh Dũng nói thêm.

Anh Vũ Văn Đặng, người có "kinh nghiệm" 3 năm chạy xe ứng dụng công nghệ cũng không đồng tình với việc gắn mào hay gắn bảng điện tử bởi việc làm này sẽ tạo điều kiện cho tài xế công nghệ bắt khách dọc đường. Lúc này sẽ gây ra tình trạng lộn xộn, chèn ép, làm giá với khách. Gây ra nhiều hệ lụy phiền toái.

img

Xe công nghệ có nhiều cách để nhận diện.

Là người thường xuyên sử dụng dịch vụ đặt xe qua ứng dụng công nghệ, chị Nguyễn Minh Tâm (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, việc đặt xe công nghệ thay vì đi các hãng taxi bởi vì sự tiện lợi, chất lượng dịch vụ cũng đảm bảo.

Ở góc độ người sử dụng, chị Tâm cho rằng, việc buộc phải gắn mào hay phù hiệu cho xe như Grab hay Go-Viet là không cần thiết, việc này chỉ phủ hợp với các hãng taxi truyền thống vì đó là dấu hiệu của khách hàng nhận diện khi "vẫy" xe dọc đường. Còn đối với xe công nghệ, chỉ cần có "APP" ứng nghệ đặt xe công nghệ là có thể nhận diện dễ dàng mọi thông tin về  xe, lái xe, số điện thoại liên lạc của lái xe… Chưa kể, việc sử dụng xe công nghệ “không có mào” cũng khiến khách hàng có cảm giác thoải mái hơn.

Trước sự việc trên, trao đổi với báo giới Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật BASICO cho rằng, mục đích của việc nhận diện phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của 3 đối tượng: khách hàng, đơn vị quản lý thuế và lực lượng thanh tra, kiểm tra, cảnh sát giao thông. 

Về phía khách hàng, họ không có nhu cầu nhận diện xe vì mọi thông tin đã được minh bạch qua ứng dụng. Việc gắn phù hiệu, mào xe hay không cũng không có ý nghĩa gì đối với các đơn vị quản lý thuế vì công tác truy thu thuế phải xử lý tại nguồn là doanh nghiệp...

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, trên thế giới không có quốc gia nào cấm đoán, siết chặt quản lý với các phương tiện vận tải công cộng. Quy định này có thể dẫn đến nghi ngờ về tiêu cực, mãi lộ.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM (HCCAA) cho rằng bản chất tích cực nhất của kinh tế chia sẻ mà các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, Uber… mang lại là tận dụng được nguồn lực nhàn rỗi thông qua việc tham gia các nền tảng ứng dụng công nghệ. Đồng thời, các ứng dụng này cũng góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho một bộ phận lao động không nhỏ.

Việc “lồng khung” xe công nghệ phải “đeo mào” như taxi truyền thống tạo nên rào cản không cần thiết và cần giảm thiểu những thủ tục rườm rà như vậy cũng như tiêu tốn chi phí không đáng có.