Dân Việt

Dưa hấu dán tem chữ Trung Quốc và chuyện nhà nông làm mới mình

Anh Thơ 18/04/2019 16:48 GMT+7
Chuyện những quả dưa hấu ở Quảng Nam phải dán một loại tem ghi toàn chữ Trung Quốc mới được xuất khẩu sang nước bạn có thể khiến nhiều người lo lắng nhưng thực chất, đây là điều kiện cần và đủ để có thể đưa được sản phẩm sang thị trường này. Cách làm mới này sẽ mở đường cho nhiều loại nông sản khác.

“Chứng minh thư” cho dưa hấu

Thông tin những quả dưa hấu của huyện Phú Ninh (Quảng Nam) phải dán một loại tem in toàn chữ Trung Quốc những ngày qua khiến dư luận xã hội quan tâm, đã có những câu hỏi đặt ra là: Việc dán tem như vậy có phải là một hình thức mượn danh để xuất khẩu? Về lâu dài có ảnh hưởng đến uy tín trái cây Việt?

img

img

Xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc có nhiều thay đổi từ 1.5.2019.  Ảnh tư liệu

Theo Hải quan Trung Quốc, lượng dưa hấu nhập khẩu của Trung Quốc từ năm 2014 đến đầu năm 2018 đạt khoảng trên 200.000 tấn/năm với kim ngạch đạt khoảng 30 triệu USD/năm.

Nhưng với những người làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc thì đây không phải là việc gì mới, mà nó đã được chuẩn bị từ giữa năm 2018 khi Trung Quốc bắt đầu tăng tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung, dưa hấu nói riêng thông qua các quy định yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan Hải quan Trung Quốc và dán tem nhãn này trên các sản phẩm/bao bì trái cây nhập khẩu.

Tem nhãn bao gồm thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói, danh sách vườn trồng, doanh nghiệp đóng gói phải được cơ quan quản lý nước xuất khẩu thông báo chính thức cho Trung Quốc.

Nhiều thương lái chuyên thu mua dưa hấu cho thị trường Trung Quốc cũng thừa nhận điều này. Ông Lê Đình Chiến, một thương lái ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) cho biết, ông đã phải sử dụng tem dán cho tất cả các lô hàng dưa hấu xuất sang Trung Quốc từ đầu năm đến nay. Qua cửa khẩu, cán bộ hải quan kiểm tra mã vạch, đúng và đủ thông tin lô hàng mới được thông quan.

Trang web Cửa sổ Đông Hưng (yn.dongxingnet.com) cũng nêu thông tin, kể từ ngày 16.1.2019, dưa hấu Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải dán nhãn mác truy xuất nguồn gốc, từ đó các nhân viên hải quan tại hiện trường kiểm tra và kiểm nghiệm cũng như người tiêu dùng lúc mua đều có thể quét mã tìm hiểu nguồn gốc của dưa hấu.

“Nhiều ngày qua, những xe tải chở đầy dưa hấu Việt Nam được dán nhãn mác truy xuất nguồn gốc dưới sự giám sát của các nhân viên Hải quan Bằng Tường, Trung Quốc, từ từ chạy qua hành lang chợ biên mậu Pò Chài, Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc. Tem mã QR truy xuất nguồn gốc tương đương “chứng minh thư” giúp dưa hấu Việt Nam vào Trung Quốc một cách đàng hoàng” – bài viết mô tả.

Như vậy, việc dưa hấu dán tem Trung Quốc khi xuất sang thị trường này là việc đương nhiên nếu muốn xuất khẩu chính ngạch. Điều đáng bàn là tại sao doanh nghiệp Việt không thể tự sản xuất tem đáp ứng yêu cầu của nước bạn mà phải phụ thuộc vào nguồn tem của  doanh nghiệp Trung Quốc.

Phải tự làm mới mình

Trong công văn gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin về tình hình xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc, ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nêu rõ: Đến nay, đã có 41 doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng với Tập đoàn Trung Kiểm (CCIC) của Trung Quốc cung cấp một lượng lớn tem nhãn cho doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, phía Trung Quốc đã cho thông quan 3.980 xe dưa hấu, đơn giản hóa yêu cầu về tem nhãn, bao bì nên thuận lợi thông quan, không bị ách tắc.

Trong bài viết: “Dưa hấu Việt Nam sang Trung Quốc dán kèm chứng minh thư” đăng trên trang Cửa sổ Đông Hưng, Trợ lý giám đốc Ban Thị trường Công ty Quảng Tây - Tập đoàn Kiểm nghiệm và Chứng nhận Trung Quốc (CCIC) Quách Dung Yến cho biết, công ty đã áp dụng công nghệ chống làm giả hàng đầu thế giới, tem chống làm giả mang tính duy nhất, tạo thuận tiện cho cơ quan giám sát, doanh nghiệp, người tiêu dùng quét tem chống làm giả qua điện thoại di động, chỉ mất vài giây là có thể biết sản phẩm thật hay giả, có thể truy xuất nguồn gốc và truy cứu trách nhiệm.

Câu hỏi đặt ra là, công nghệ QR code đang được áp dụng phổ biến ở Việt Nam, đã có nhiều doanh nghiệp làm, tại sao phải phụ thuộc vào một đơn vị của Trung Quốc. Sự băn khoăn này cũng được doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực (Công ty BAGICO) đặt ra khi bà dự một hội thảo quốc tế xuất nhập khẩu nông sản tổ chức tại Lạng Sơn hồi cuối tháng 3.2019 khi tại hội thảo đó, đại diện CCIC đã nhanh chóng giới thiệu những công nghệ giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm tốt nhất, trong khi hoàn toàn vắng bóng doanh nghiệp Việt.

Theo quy định mới từ phía Trung Quốc, từ ngày 1.5.2019, Hải quan Trung Quốc sẽ không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; mà yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có vi sinh vật gây hại để bọc trái. Vì vậy, đã đến lúc, nông dân, doanh nghiệp phải đổi mới cách làm, không trồng tự phát, canh tác tùy tiện, cần nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc đang có tham vọng mở rộng diện tích trồng dưa hấu để chủ động cung cấp cho nội địa. Hiện, diện tích trồng dưa hấu tại Trung Quốc đạt 2 triệu ha, sản lượng bình quân khoảng 73 - 75 triệu tấn/năm. Nếu vẫn giữ cách làm cũ, không tự làm mới mình, chắc chắn dưa hấu Việt sẽ thua dù hiện tại, Trung Quốc vẫn đánh giá dưa hấu Việt Nam thơm, ngọt.