Tên lửa chống tăng Spike của Israel
Tờ Sputnik đưa tin, theo một điều khoản đặc biệt, phó tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ Devraj Anbu có quyền mua số vật liệu chiến tranh và hàng hóa trị giá hơn 70 triệu USD mà không cần thông qua bộ Quốc phòng nước này. Ông Anbu đang tận dụng quyền này để mua dự trữ các tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM) của Israel trong bối cảnh căng thẳng biên giới với nước láng giềng Pakistan không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Một nguồn tin chia sẻ với tạp chí Globes (Israel) rằng giá trị của lô hàng có thể lên tới "hàng chục triệu USD". Tuy nhiên, quan chức quân đội Ấn Độ vẫn chưa công bố con số chính xác. Phía công ty Rafael Advanced Defence Systems, nhà cung cấp tên lửa Spike, cũng không bình luận về thỏa thuận mua bán vũ khí lần này.
Dù Ấn Độ từng thông qua thỏa thuận chế tạo tên lửa Spike nhưng việc sản xuất cần nhiều thời gian. Trong khi, quân đội nước này muốn có ngay tên lửa để thử nghiệm vào mùa hè năm nay.
Tạp chí quốc phòng IHS Jane's cho biết quyết định mua gấp tên lửa Spike được đưa ra trong Hội nghị của các chỉ huy quân đội kết thúc ngày 13/4 tại New Delhi.
Ấn Độ nhiều lần "lỡ hẹn" với tên lửa Spike. Năm 2011, nước này ký hợp đồng trị giá 500 triệu USD để mua hàng ngàn tên lửa loại này nhưng mâu thuẫn giữa bộ Quốc phòng và Cơ quan nghiên cứu & phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) khiến thỏa thuận bị hủy bỏ.
Theo chính sách hướng nội của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, DRDO muốn quân đội sử dụng tên lửa NAG-190 hay còn gọi là MPATGM (do Ấn Độ sản xuất) thay vì Spike.
Tuy nhiên, mất nhiều thời gian để tên lửa MPATGM sẵn sàng chiến đấu, ngay cả khi các thử nghiệm về loại tên lửa này thành công. Một nguồn tin chính phủ Ấn Độ chia sẻ với Sputnik rằng một lượng lớn tên lửa MPATGM sẽ được nước này sản xuất vào năm 2021.
Cho tới lúc đó, quân đội Ấn Độ vẫn cần nhiều tên lửa chống tăng. Ấn Độ đang triển khai một thỏa thuận để mua 2.500 tên lửa Spike như một phương án tạm thời trong lúc chờ MPATGM. Tuy nhiên, tờ Diplomat cho biết, thỏa thuận này vẫn còn dang dở.
Spike là dòng tên lửa của Israel, được phát triển trong những năm 90 bởi công ty Rafael Advanced Defence Systems. Nó là một vũ khí đa năng, có thể được phóng từ đất liền, trên biển hoặc thậm chí là từ trực thăng. Tầm bắn của Spike là khoảng 4 km và tên lửa này có khả năng tiêu diệt nhiều loại mục tiêu khác nhau, gồm xe bọc thép, vị trí ẩn nấp, trang thiết bị kỹ thuật cũng như tàu chiến mặt nước và sinh lực địch.
Xung đột biên giới Ấn Độ - Pakistan có dấu hiệu leo thang từ hồi đầu năm. Nguyên nhân đến từ một vụ đánh bom tự sát của một nhóm khủng bố hôm 14/2 ở vùng Jammu và Kashmir, khiến hơn 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Chính phủ Ấn Độ tố cáo Pakistan đứng đằng sau sau vụ tấn công. Ngày 26/2, Ấn Độ không kích vào khu vực ở Kashmir do Pakistan quản lý. Một ngày sau, Pakistan đáp trả bằng cuộc không kích vào khu vực do Ấn Độ quản lý.
Hai cường quốc hạt nhân lại tiếp tục xung đột dữ dội kể từ khi căng thẳng bùng phát hồi giữa tháng 2. Cuộc đụng...