Dân Việt

Nếu gian lận điểm thi đại học nhiều năm trước, xử lý thế nào?    

Thanh Xuân 21/04/2019 12:55 GMT+7
Trao đổi với Dân Việt, các luật sư cho rằng nếu phát hiện gian lận trong thi cử của các sinh viên từ nhiều năm trước vẫn có thể xử lý được. Thậm chí, nếu tốt nghiệp rồi vẫn có thể tước bằng do trước đó đã gian lận. 

Sau khi cơ quan chức năng phát hiện gian lận điểm thi THPT quốc gia tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, nhiều người đã phát hiện những năm gần đây, các địa phương này cũng đóng góp các thí sinh đạt điểm cao khi xét tuyển vào đại học. Thậm chí, có người đặt câu hỏi, có nên rà soát lại điểm thi từ những năm trước hay không? 

Luật sư Hoàng Ngọc – Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, những năm gần đây, kỳ thi đại học là gộp với kỳ thi của THPT sau đó dùng điểm của kỳ thi này để xét tuyển. 

“Xét ở góc độ pháp luật, hoàn toàn có thể xử lý được. Muốn lên cấp 2 là phải tốt nghiệp cấp 1, muốn lên cấp 3 là phải tốt nghiệp cấp 2 và muốn lên đại học thì phải tốt nghiệp cấp 3, đó là quy định đương nhiên ”, luật sư Ngọc nhấn mạnh.   

       

                img                                                  Phát hiện gian lận thi cử đại học nhiều năm trước vẫn có thể xử lý? (Ảnh: IT)                                                                                                                                                                                                                                  Mặt khác, vấn đề gian lận điểm thi đang gây ra nhiều tranh cãi và dẫn đến bức xúc trong dư luận xã hội. Cụ thể, đối với một học sinh có biết mình "bị nâng điểm hay được nâng điểm" hay không, còn đang có rất nhiều tranh cãi. Có quan điểm cho rằng, việc nâng điểm là do lỗi ở bố mẹ, các em học sinh, sinh viên không biết.

“Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, đã tốt nghiệp THPT là trên 18 tuổi, đủ nhận thức được hành vi của mình, đủ nhận thức được lực học của mình. Cứ nói là “học tài thi phận” nhưng điểm số nếu chênh 2-3 điểm còn có lý là do gặp may chứ điểm thi được 3 điểm mà nâng tới 26 đến 27 điểm không thể có chuyện là cá nhân các em đó không nhận thức được hành vi của mình và cho rằng đó là may mắn được. Việc được nâng tới trên 10 điểm, thiên hạ biết thừa đó là gian lận” - luật sư Ngọc nêu quan điểm. 

Một em học sinh được công bố thi 3 môn được 29 điểm mà vẫn bị trượt đại học. Qua đó cho thấy, có rất nhiều em học thật, thi thật và trung thực trong thi cử nhưng chỉ thiếu 0,5 điểm đến 1 điểm thì vẫn trượt, ai sẽ đòi sự công bằng cho các em đó.                                                                                                  

“Việc gian lận trong thi cử để đỗ vào đại học là một vấn đề không hề nhỏ. Vì sau khi vào được đại học là xếp ở tầng lớp trí thức, có cơ hội để thăng tiến về sau này trên con đường sự nghiệp. Do đó, địa vị chức tước sau này càng cao, tầm ảnh hưởng càng lớn. Người đã có gian lận ngay từ khâu thi cử, sau này trở thành bác sỹ  chữa bệnh, thành luật sư, thẩm phán, công an… thì sẽ thế nào? Họ đã chấp nhận gian lận ngay từ ngày đầu vào đại học thì ai dám chắc chắn sẽ  không chấp nhận những tiêu cực sau này trong công việc”, luật sư Ngọc nói. 

Theo luật sư, Bộ GDĐT nên rà soát lại cả những thí sinh điểm cao từ những năm trước để công khai, minh bạch kết quả thi cử, đem lại sự công bằng cho các thí sinh và tạo niềm tin cho xã hội.      

Cùng chung nhận định trên, một luật sư đề nghị không nêu tên cũng cho rằng việc gian lận trong thi cử từ nhiều năm trước để vào đại học nếu phát hiện vẫn có thể xử lý được, bởi gian lận đó bây giờ mới bị phát hiện. Tuy nhiên, các quy định về mặt pháp luật trong lĩnh vực này cũng còn nhiều điều chưa chặt chẽ.

Do đó, có xử lý hay không, xử lý như thế nào phụ thuộc lớn vào các cơ quan chức năng mà ở vấn đề này đơn vị chịu trách nhiệm cao nhất là Bộ GDĐT.

“Quan điểm của tôi là phải xử lý tới cùng, vì chấp nhận sự gian lận ngay từ những ngày đầu khi bước vào đại học sẽ dẫn tới chấp nhận sự gian lận của những công việc, vị trí công tác về sau này. Đó sẽ là vẫn đề không hề nhỏ cho xã hội”, vị luật sư này cho biết.                                                                                                                                     

Theo quy định tại Điều 28 Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT thì Văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ trong các trường hợp sau đây:

- Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ;

- Cấp cho người không đủ điều kiện;

- Do người không có thẩm quyền cấp;

- Văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa;

- Để cho người khác sử dụng.