Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng phí nước thải tại dự thảo nghị định về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải thay thế Nghị định số 154/2016/NĐ-CP.
Tăng phí bảo vệ môi trường với hàng vạn điểm rửa xe, nhà hàng khách sạn.
Theo Bộ Tài chính, về mức phí cố định, tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 154 quy định, cơ sở sản xuất, chế biến có khối lượng nước xả thải dưới 20m3/ngày phải nộp mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm. Qua thực hiện, có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến có quy mô và tính chất hoạt động khác nhau, khối lượng nước thải cũng rất khác nhau, nhất là các cơ sở cơ khí, may mặc... có lượng nước thải ít. Có nhiều cơ sở xả thải dưới 5m3/ngày đêm, trong khi phải nộp cùng mức phí 1,5 triệu đồng/năm như các cơ sở khác là chưa hợp lý.
Ngoài ra, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Theo đó, quy định cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt như cá nhân, hộ gia đình là không công bằng. Bởi vì nước thải của những cơ sở này "có mức độ gây ô nhiễm môi trường cao hơn".
Bộ Tài chính đưa ra hai phương án cho vấn đề này.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính nhận định căn cứ vào quy định hiện hành, trường hợp nước thải của cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn ô nhiễm hơn thì địa phương có thể quyết định mức phí cao hơn.
Tuy nhiên, để thống nhất thực hiện, Bộ Tài chính dự kiến 2 phương án.
Phương án 1: Giữ quy định mức phí như hiện hành, tức là mức phí 10% giá bán 1m3 nước sạch. Trường hợp có mức thu cao hơn thì hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức thu phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Phương án 2: quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Riêng mức phí áp dụng đối với cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn là 15% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Nhiều điểm rửa xe, nhà hàng, khách sạn cũng có những dự định thạy đổi với thị trường.
Dự thảo này của Bộ Tài Chính nhận được sự quan tâm của những người trong cuộc, đặc biệt là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp đó là bộ phận chủ nhà hàng, khách sạn và các điểm rửa xe.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, nhiều nhà hàng, khách sạn và điểm rửa xe đã có những phương án điều chỉnh thích hợp với việc tăng giá và tăng phí, từ giá xăng dầu, giá điện đến phí bảo vệ môi trường.
Theo anh Trần Nam (Chủ điểm rửa xe tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Hôm nay mình đọc báo thấy thông tin như vậy, mình cũng quan tâm. Tháng trước giá điện vừa tăng, khiến một số mặt hàng khác cũng lên giá, giờ đây phí bảo vệ môi trường lại tăng thêm. Trong thời buổi kinh tế thế này chúng tôi làm ăn quả thật rất khó khăn",
Anh Nam cho biết, mỗi tháng cơ sở rửa xe của anh hết khoảng 20 triệu tiền nước, thêm các khoản thuế phí khác. Bây giờ lại tăng thêm nữa, nếu tính tổng cả năm đây là một số tiền đáng kể.
Theo anh Nam, sắp tới nếu việc tăng phí bảo vệ môi trường có hiệu lực, cộng với tiền điện tăng tháng giữa tháng, có khả năng các quán rửa xe sẽ tăng giá dịch vụ này.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Dũng (Chủ nhà hàng trên đường Dương Đình Nghệ) chia sẻ: Chúng tôi cũng đã nắm được thông tin này, và đã có những phương án để đối phó với tình trạng các mặt hàng liên tục tăng. Hiện nay chúng tôi chưa tăng giá, tuy nhiên, với tình hình kinh tế hiện nay, chúng tôi cũng phải tăng theo thị trường".