Dân Việt

Sai phạm của dàn lãnh đạo Gang thép Thái Nguyên khi để dự án hơn 8.000 tỷ đắp chiếu?

P.V 21/04/2019 09:00 GMT+7
Lý do ông Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch HĐQT Gang thép Thái Nguyên bị khởi tô là sai phạm trong việc để dự án có tổng mức đầu tư 8.104 tỷ rơi vào tình trạng “đắp chiếu”, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước. Không những vậy TISCO dưới sự điều hành của ông Khâm liên tục thua lỗ

img

Một góc nhà máy Gang thép Thái Nguyên. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Hệ luỵ từ dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2

Xung quanh những dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Công ty TISCO), căn cứ tài liệu điều tra xác minh thu thập được, ngày 18.4.2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty TISCO.

Trong đó, 3 người nguyên là lãnh đạo Gang thép Thái Nguyên là Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TISCO; Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TISCO; Ngô Sỹ Hán, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty TISCO đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra, 2 người nguyên là lãnh đạo Tổng Công ty Thép Việt Nam bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Mai Văn Tinh (nguyên Chủ tịch HĐQT); bị can Đậu Văn Hùng, (nguyên Tổng Giám đốc).

img

Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 8.104 tỷ đồng, nay rơi vào tình trạng “đắp chiếu”. (Ảnh: Internet)

Trước đó, theo nội dung Kết luận thanh tra Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án) của Thanh tra Chính phủ, đây là dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư (Văn bản số 342/TTg-CN ngày 5.4.2005); giao Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt; Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là Chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng với mục tiêu đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất luyện kim (bao gồm khai thác, chế biến quặng sắt), nhằm tạo ra năng lực sản xuất 500.000 tấn phôi thép/năm.

Dự án có 2 gói thầu chính là mỏ sắt Tiến Bộ với tổng giá trị hơn 442 tỉ đồng và gói thầu tổng EPC số 1 dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá với tổng giá trị hơn 2.300 tỉ đồng. Ngoài ra, dự án còn phải thực hiện 22 gói thầu khác. Tháng 7-2007, hợp đồng số 1 được ký kết giữa bên giao thầu là TISCO với bên nhận thầu EPC là Công ty Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC).

Theo Thanh tra Chính phủ, chủ trương đầu tư Dự án là phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác quặng, sản xuất thép, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho gần 5.000 cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Dự án, TISCO, MCC, VNS, Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đã có những khuyết điểm, sai phạm. Kết quả, dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trở thành một trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương.

Những hệ luỵ từ dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, tới nay, vẫn tạo ra những thách thức đối với đội ngũ lãnh đạo của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Bởi dự án được triển khai từ năm 2007, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại các hạng mục chính của dự án này tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của dự án tới thời điểm 31.12.2018 là 5.093 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hoá là 1.888 tỷ đồng.

Trong khi dư nợ vay ngắn dài hạn cuối kỳ gần 3.031 tỷ đồng với 1.137 tỷ đồng vay từ BIDV Thái Nguyên và 1.895 tỷ đồng vay. Tại Hội nghị Tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), phía VNSteel cho biết, vấn đề bảo lãnh ngân hàng cũng chưa xử lí được. Thậm chí, Gang thép Thái Nguyên lâm vào cảnh các ngân hàng không cho vay vốn và phải chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.

Và việc một dự án có tổng mức đầu tư 8.104 tỷ đồng, nay rơi vào tình trạng “đắp chiếu”, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước. Đồng thời, ảnh hưởng không tốt tới hoạt động kinh doanh của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã khiến Thanh tra Chính phủ đưa ra một loạt kiến nghị nhằm xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan.

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự, gồm việc Tổng giám đốc Gang thép Thái Nguyên và một số cán bộ thuộc TISCO, VNS, Bộ Công Thương có liên quan trong việc ký các Biên bản thỏa thuận phân chia công việc Phần C, chuyển một số phần việc từ Phần P sang Phần C; ký hợp đồng giao VINAINCON, các nhà thầu phụ khác thực hiện Phần C; thanh toán theo đơn giá điều chỉnh không đúng Hợp đồng EPC làm phát sinh tăng TMĐT, gây thất thoát vốn đầu tư.

Việc Tổng giám đốc Gang thép Thái Nguyên, một số cán bộ liên quan trong việc ký các Phụ lục hợp đồng EPC và một số văn bản tiếp nhận nhiều loại máy móc thiết bị không đúng chủng loại, thông số kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không đúng Hợp đồng EPC, tiêu chuẩn về quản lý chất lượng hàng hóa, bất lợi cho TISCO, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nếu MCC và TISCO không xử lý sẽ gây thất thoát vốn đầu tư.

Việc Tổng giám đốc TISCO, một số cán bộ liên quan trình, phê duyệt và thanh toán nhiều khoản tiền cho MCC, các Nhà thầu phụ, các tổ chức tư vấn, vi phạm quy định, nếu MCC và TISCO không xử lý sẽ gây thất thoát vốn đầu tư.

TISCO kinh doanh ra sao dưới sự điều hành của ông Trần Văn Khâm?

Trước khi ông Hoàng Ngọc Diệp thay thế ông Trần Văn Khâm đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), ông Khâm đã trải qua khoảng thời gian 5 năm đảm nhận các vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc, rồi uỷ viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty.

Dưới sự điều hành của ông Trần Văn Khâm, Gang thép Thái Nguyên đã có khoảng thời gian ghi nhận kết quả kinh doanh thiếu tích cực. Điển hình là năm 2013, do chi phí quản lý tăng đột biến, Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.462 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2012.

Dù chi phí tài chính giảm mạnh 42% xuống 242 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng đột biến cao gấp đôi năm trước với 608 tỷ đồng. Do đó công ty bị lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 295 tỷ đồng trong khi năm trước cũng lỗ 2 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 16% xuống 615 tỷ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế của Gang thép Thái Nguyên ghi nhận mức âm 292 tỷ đồng trong khi năm 2012 lãi 885 triệu đồng. Riêng trong quý IV.2013, công ty lỗ gần 291 tỷ đồng.